Chiều 29/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng Đoàn công tác của thành phố đã đi thăm, động viên và kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã nghe các địa phương báo cáo về tình hình ngập lụt tại huyện Chương Mỹ và Quốc Oai; kiểm tra thực tế tại thôn Tân Tiến, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) và xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai).
Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội (đứng giữa), trao đổi, động viên lực lượng xung kích phòng chống lũ tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN. |
Tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu chính quyền và các đơn vị chức năng địa phương quan tâm bố trí nơi ở tạm cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, chăm lo đồ ăn, thức uống, đảm bảo nước sạch cho các hộ dân, đặc biệt quan tâm đến người già, cô đơn, yếu thế, người tàn tật...
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh lãnh đạo địa phương cần chú ý đến công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân khu vực ngập lụt sau khi nước rút và chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với các trận mưa tiếp theo, không để bị động trước các tình huống.
Bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội (đứng giữa), kiểm tra công tác phòng chống lũ tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN. |
Biểu dương, đánh giá cao tinh thần chủ động chống lũ lụt của lãnh đạo các huyện cũng như các lực lượng chức năng trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài ghi nhận sự chủ động của hai huyện trong việc sơ tán người dân, gia súc, gia cầm nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Hai huyện đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” cùng với sự tham gia chung sức của nhân dân để khắc phục hậu quả của mưa lũ.
Tại huyện Chương Mỹ, địa phương bị ngập nặng nhất, vẫn còn hơn 1.000 hộ dân đang ở trong vùng lũ.
Bí thư Thành ủy yêu cầu huyện cần tính toán kỹ và tiếp tục sơ tán để đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.
Bí thư Thành ủy khuyến khích các địa phương phát huy tinh thần “Lá lành đùm lá rách” để hỗ trợ các hộ dân vùng ngập lụt như huyện Chương Mỹ đã triển khai.
Nhiều ngôi nhà xã Nam Phương Tiến bị ngập do nước sông Bùi dâng cao. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN. |
Đối với 4,8 km đê có nguy cơ suy yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ, lãnh đạo huyện phải khảo sát kỹ và báo cáo kịp thời lãnh đạo thành phố; đồng thời bám sát tình hình trên quan điểm “tính mạng người dân là trên hết” để tập trung chỉ đạo.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức cho biết do ảnh hưởng của bão số 2, đến 7 giờ ngày 29/7, mưa lũ làm vỡ 2 vai đập (tại xã Nam Phương Tiến và xã Tân Tiến), làm hư hỏng hơn 600m kênh, 103 cầu, cống, đập nhỏ...
Mưa lớn còn khiến trên 4.800 m đê bị ngập nước, 1 mạch sủi dài tại đê Hữu Bùi, đoạn qua thôn Đừn, xã Tốt Động; trên 141.000 m đường giao thông nội đồng bị ngập; hơn 400m đường giao thông nội đồng bị sạt lở; 34.240 m đường giao thông nông thôn bị ngập.
Bên cạnh đó, có 24 thôn, xóm bị ngập, nhiều diện tích lúa, thủy sản bị thiệt hại. Qua thống kê sơ bộ, tình hình thiệt hại do ảnh hưởng bão số 2 ước tính khoảng 92 tỷ đồng.
Để khắc phục những khó khăn, giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra, ổn định đời sống dân sinh, huyện Chương Mỹ đề nghị thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ với các huyện Thạch Thất, Quốc Oai và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng một chương trình, dự án tổng thể để đánh giá, đưa ra giải pháp khắc phục mang tính chất lâu dài và bền vững.
Ngoài ra, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Ban quản lý dự án Hạ tầng nông nghiệp Hà Nội và Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ rà soát các công trình đê điều, thủy lợi do thành phố quản lý để có phương án đầu tư xây dựng, nâng cấp cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án do Ban quản lý dự án đang triển khai xây dựng trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra cho huyện.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai, do tình hình mưa và ảnh hưởng cơn bão số 2, đến trưa ngày 29/7, trên địa bàn huyện Quốc Oai có hơn 780ha cây trồng nông nghiệp bị ngập; các tuyến đường, cầu Tân Phú, cầu Đại Thành vẫn ngập sâu 0,4m.
Đường tỉnh lộ 421B, đoạn từ thôn Cấn Thượng đi Đông Yên ngập sâu 1m; cầu 72 II thuộc xã Cộng Hòa ngập sâu 0,5m.
Tại cống tiêu đê bao Phú Bình, thôn 2, xã Phú Cát bị sụt lún đã được khắc phục kịp thời.
Tuyến đê bao Minh Khai xã Cấn Hữu, đoạn đê thôn Cấn Hạ bị sạt trượt, tuyến đê Khoang Ông xã Hòa Thạch bị tràn; đoạn đê thuộc thôn Cấn Thượng có điểm nước thấm lậu qua đê... Tuyến đê hữu Đáy cũng có 4 sự cố sạt trượt mái đê.
Với phương châm 4 tại chỗ, huyện Quốc Oai đang tập trung theo dõi và tổ chức khắc phục kịp thời.
Do mưa lớn trên diện rộng, các ngầm qua suối của các thôn thuộc xã Đông Xuân, nước từ các khe núi chảy về, nước chảy xiết đã khiến một người bị nước cuốn, tử vong tại khu vực ngầm Vai Trại, thôn Lập Thành, xã Đông Xuân.
Tại thời điểm ngập úng cao nhất, toàn huyện Quốc Oai có 531 hộ với 2.546 nhân khẩu bị ảnh hưởng; trong đó riêng xóm bến Vôi, xã Cấn Hữu có 125 hộ với 658 nhân khẩu. Huyện Quốc Oai đã khẩn trương hỗ trợ, đảm bảo đời sống cho người dân vùng ngập lụt.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết sau mưa lũ, huyện sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống kênh mương để có giải pháp, đề nghị thành phố hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đê xung yếu trên địa bàn.