Chiều 22/1, Thành ủy Hà Nội tổ chức buổi giao ban báo chí định kỳ với nhiều nội dung bao gồm việc tổ chức các lễ hội lớn trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tình hình dịch bệnh và các mặt hàng kinh doanh trong dịp Tết.
Hạn chế tác động của con người đến di tích
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết Sở đã xây dựng và tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức, đảm bảo lễ hội "an toàn, tiết kiệm" tại 30 quận, huyện, thị xã.
Các lễ hội lớn được tổ chức trên địa bàn thành phố như lễ hội Chùa Hương, lễ hội Đền Sóc, lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa… đã được UBND các quận, huyện lên kế hoạch chi tiết. Các lễ hội năm nay đều được thực hiện theo tiêu chí an toàn, văn minh và hạn chế tối đa sự tác động của con người đến các di tích lịch sử.
Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch huyện Mỹ Đức, cho biết lễ hội chùa Hương năm 2018 thu hút 1,44 triệu lượt du khách. Ban tổ chức thu được khoảng 112 tỷ đồng sau lễ hội.
“Số tiền trên bao gồm tiền công đức, vé vào cửa và từ một số nguồn thu khác”, ông Hoạt cho biết. Số tiền này sẽ được sử dụng vào công tác trông coi, quản lý và tôn tạo các di tích lịch sử tại chùa Hương.
Hiện tại, UBND huyện Mỹ Đức đã phối hợp cùng Ban quản lý di tích lên kế hoạch cụ thể triển khai lễ hội chùa Hương năm 2019. Theo đó, lễ hội năm nay sẽ diễn ra bắt đầu từ ngày 10/2 (tức ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch).
Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức báo cáo kế hoạch tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2019, tại Hội nghị giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội chiều 22/1. Ảnh: Sơn Hà |
Báo cáo của Ban tổ chức lễ hội chùa Hương nêu rõ, phải tăng cường công tác tuyên truyền và đổi mới hình thức phong phú, đa dạng phù hợp để mọi người hiểu rõ giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội, nâng cao ý thức cộng đồng. Công tác dịch vụ đảm bảo văn minh, lịch sự, kiên quyết đẩy lùi các hiện tượng phát sinh tiêu cực trong hoạt động lễ hội.
Tăng cường phòng chống bệnh dịch trong dịp Tết
Cũng trong Hội nghị, Sở Y tế thành phố đã có báo cáo về diễn biến tình hình bệnh dịch tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Theo đó, tình hình bệnh dịch tại thành phố tiếp tục có diễn biến phức tạp. Các bệnh dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà,… vẫn là thách thức của Sở Y tế Hà Nội trong công tác phòng chống dịch năm 2019.
Với sự giao lưu quốc tế đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, trong năm tới khả năng Hà Nội sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh dịch mới xâm nhập từ các nước trên Thế giới như bệnh do vi-rút Cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV…
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về các biện pháp kiểm soát bệnh dịch trong dịp lễ Tết, đặc biệt là trong thời gian diễn ra các lễ hội lớn trên địa bàn thành phố, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh dịch cho biết Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm sẽ phối hợp với các địa phương để kiểm tra công tác vệ sinh môi trường tại các địa điểm công cộng như bến tàu xe, nhà ga, các khu vực tổ chức lễ hội.
"Người dân cũng cần chủ động tự phòng tránh bệnh dịch bằng cách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong những ngày lễ, Tết", ông Tuấn nói.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh của Sở Y tế thành phố. Ảnh: Sơn Hà |
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng có báo cáo về tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết 2019 trên địa bàn TP ước đạt khoảng 28.500 tỷ đồng, tăng từ 10 đến 15% so với năm 2018. Sở đã vận động 20 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thị trường với tổng số tiền là 842,8 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến gần 10.700 điểm bán hàng để phục vụ người dân dịp Tết.
Trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 TP đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 11.011 vụ và xử lý 9.455 vụ với tổng số tiền phạt, truy thu thuế, thu hồi thuế hơn 1.368 tỷ đồng. Trong đó riêng truy thu thuế, thu hồi thuế là hơn 1.039 tỷ đồng.