Chiều 21/6, hiện tượng nhật thực hình khuyên diễn ra. Cư dân tại một số nước khu vực châu Phi và châu Á có thể sẽ có cơ hội được quan sát hiện tượng nhật thực hình khuyên đầu tiên của thập kỷ, hay còn được biết đến với cái tên Ring Of Fire (Vòng khuyên lửa). Ảnh: Thiên văn Việt Nam - VACA. |
Tuy không thể theo dõi hiện tượng nhật thực hình khuyên, người Việt Nam vẫn có thể xem nhật thực một phần. Vào lúc 14h chiều 21/6, tại Hà Nội nhiều người đã quan sát được hiện tượng nhật thực khi Mặt Trăng dần đi vào quỹ đạo và che bớt một phần của Mặt Trời. Ảnh: Trần Hoàng/Tớ yêu thiên văn học. |
Nhật thực một phần bắt đầu vào 13h16, và đạt cực đại vào 14h55 khi Mặt Trăng nằm ở gần trung tâm của Mặt Trời, với độ che phủ tại Hà Nội lên tới 71%. Nhật thực sẽ kết thúc vào 16h18, khi Mặt Trăng rời khỏi rìa Mặt Trời. Trong ảnh là hiện tượng nhật thực một phần diễn ra tại Karachi, Pakista. Ảnh: CGTN. |
Nếu bỏ qua nhật thực năm nay, người dân Việt Nam sẽ phải chờ ít nhất đến năm 2023 để chiêm ngưỡng hiện tượng này. Dẫu vậy, độ che phủ quan sát được khi đó cũng chỉ vào khoảng 5% và người dân miền Bắc không nhìn thấy được. Ảnh: Lương Hoàng/Tớ yêu thiên văn học. |
Nhiều người tại TP.HCM cho biết thành phố đang có mưa, do vậy không thể quan sát hiện tượng nhật thực. Trong khi đó, nhiều thành viên trên các diễn đàn thiên văn liên tục cập nhật ảnh chụp tại nơi mình sống. Trong ảnh là hiện tượng nhật thực quan sát tại Nghệ An. Ảnh: Nguyen Phan Trung/Tớ yêu thiên văn học. |
Trên các diễn đàn thiên văn học, thành viên bày cho nhau xem nhật thực bằng kính tự chế. Một số công cụ đơn giản, rẻ tiền khác có thể kiếm được như tìm mua kính thợ hàn, hoặc dùng ảnh khúc xạ từ hai tờ giấy. Trong ảnh là hiện tượng ở Hải Phòng. Ảnh: Nguyen Bao Tran/Tớ yêu thiên văn học. |
Một nhóm bạn trẻ yêu thiên văn học tập trung tại Hà Nội để quan sát hiện tượng nhật thực. Ảnh: Hải Tan/Tớ yêu thiên văn học. |
"Ring of Fire" sẽ bắt đầu diễn ra từ trung tâm châu Phi và đi qua châu Á. Các khu vực khác như Đông Nam châu Âu đến các mũi phía bắc của Úc sẽ được nhìn thấy nhật thực một phần. Vào lúc cực điểm của nhật thực, Mặt Trăng sẽ che khuất 99,4% Mặt Trời, nhìn thấy rõ nhất ở bầu trời phía bắc Ấn Độ. Ảnh: Virtual Telescope |
Neelanjona Sabyasachi Thakur, sinh sống tại thành phố Mumbai, Ấn Độ chia sẻ về cách cô cùng người thân xem nhật thực. Nhật thực hình khuyên năm nay càng đặc biệt hơn khi diễn ra đúng vào Ngày của Cha (21/6). |
Người quan sát hiện tượng nhật thực bắt buộc phải sử dụng một số biện pháp phòng ngừa an toàn để quan sát Mặt Trời. Các loại kính sẽ giảm bớt cường độ ánh sáng, bảo vệ mắt khi nhìn thẳng về phía Mặt Trời. Nếu không có kính, bạn có thể sử dụng nắp nhựa có màu hoặc quan sát xuống hồ nước như anh Liz Mathew tại Ấn Độ. "Đây là cách chúng tôi xem nhật thực thuở thơ ấu... Tôi đã chỉ nó cho một cặp chị em song sinh", anh chia sẻ trên Twitter. Ảnh: Liz Mathew/Twitter. |
Tài khoản Jeffrey Hernaez sinh sống tại thành phố Marikina, Phillipines chia sẻ hình ảnh xem nhật thực. Ngày 21/6 cũng là ngày hạ chí, là ngày mà khoảng thời gian ban ngày dài nhất và thời gian ban đêm ngắn nhất. Ảnh: Jeffrey Hernaez. |
Nhiếp ảnh gia Colin Legg và nhà nghiên cứu thiên văn Geoff Sims từng quay được những hình ảnh tuyệt đẹp về nhật thực hình khuyên ở Tây Úc vào tháng 5/2013. Đây là sự kiện diễn ra khi Mặt Trời và Mặt Trăng nằm chính xác trên một đường thẳng, nhưng vị trí của Mặt Trăng ở quá xa so với Trái Đất của chúng ta nên khiến Mặt Trời không bị che lấp hoàn toàn. Mặt Trời thời điểm đó sẽ vẫn hiện ra như một vòng đai ánh sáng rực rỡ bao quanh Mặt Trăng như một chiếc nhẫn rực lửa trên bầu trời. Ảnh: Colin Legg/Geoff Sims/YouTube. |