Sáng 24/7, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị thông tin báo chí về giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong bối cảnh Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội từ 6h ngày 24/7.
Lãnh đạo sở, ngành tập trung thảo luận công tác đảm bảo điều kiện y tế, khám chữa bệnh cho trường hợp F0. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cũng thông tin chi tiết về kế hoạch phân luồng, chống ùn tắc ở cửa ngõ thủ đô.
Lập 3 lớp kiểm soát ở chốt chống dịch
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết sau khi Chỉ thị 17 của TP được ban hành, đơn vị đã tổ chức lại giao thông trên địa bàn. Sở xác định 3 đối tượng được ưu tiên đi lại. Một là xe chờ hàng hóa trong luồng xanh quốc gia có lộ trình đi qua Hà Nội.
Thứ 2 là xe chở hàng hóa thiết yếu của cơ quan đơn vị trong địa bàn cung ứng, phục vụ cho người dân thủ đô; xe cơ quan, đơn vị trên địa bàn và công trường xây dựng được phép hoạt động theo tinh thần Chỉ thị 17.
Thứ 3 là xe chở người và phương tiện phục vụ hoạt động công vụ của cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng được phép hoạt động trên địa bàn và một số loại phương tiện vận chuyển khác theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tình trạng ùn tắc ở một số chốt kiểm soát nghiêm trọng hơn vào sáng 24/7. Ảnh: Hồng Quang. |
Ông Viện cho biết Tổng cục Đường bộ đã lập website cấp mã QR luồng xanh quốc gia. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu theo Chỉ thị 16 sẽ đăng ký trên cổng này.
“Việc cấp mã QR diễn ra nhanh gọn, sau khi nhận mã và đăng ký đầy đủ thông tin của đơn vị vận tải thì Sở GTVT kiểm tra hồ sơ trên mạng và cấp phép cho phương tiện không mất quá 4 phút”, ông Viện nói.
Về hoạt động của 22 chốt tại cửa ngõ, ông Viện nói để thực hiện nghiêm việc kiểm soát phương tiện ra vào TP. Sở sẽ phối hợp Công an Hà Nội lập thêm 3 chốt của TP và 22 chốt quận, huyện.
Về tình trạng ùn ứ cục bộ, ông Viện cho hay đơn vị kiến nghị TP tổ chức chốt ở khu vực này thành nhiều lớp. Như trạm ở Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP sẽ tổ chức một lớp trước trạm thu phí để yêu cầu phương tiện thuộc nhóm quay đầu phải quay đầu ngay.
Lớp thứ 2 tại trạm thu phí cho phép xe luồng xanh quốc gia, xe hàng hóa thiết yếu và xe công vụ. Xe luồng xanh được đi luôn, xe phải khai báo thì hoàn thành thủ tục theo quy định. Còn nếu tình hình ùn tắc tiếp tục xảy ra ở lớp thứ 2 thì xe vận tải lớn như xe container đi vào lớp thứ 3.
Lập phương án 20.000 đến 50.000 giường bệnh
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết từ 18h ngày 23/7 đến 7h ngày 24/7, Hà Nội ghi nhận thêm 9 trường hợp nhiễm nCoV, đều là F1 đang cách ly. Toàn thành phố có 379 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị, trong đó 8 bệnh nhân nặng cần theo dõi, 3 bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương phổi và một người 88 tuổi đang diễn biến nặng.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, mỗi ngày TP ghi nhận 50-60 ca mắc mới, dự kiến những ngày tới số ca mắc mới tiếp tục tăng. TP có thể phát hiện tiếp thông qua sàng lọc cộng đồng, sàng lọc triệu chứng.
“Đợt dịch thứ 4 ghi nhận chủng virus Delta và Delta+ tốc độ lây lan rất nhanh, chu kỳ lẫy nhiêm chỉ trong 2-3 ngày. Thời gian tới, khả năng dịch lây lan rộng rất cao”, ông Hưng lo ngại.
Phó giám đốc Sở Y tế cho biết đơn vị đang xây dựng phương án chi tiết cho từng giai đoạn, kịch bản 1.000 giường bệnh đã được TP phê duyệt. Thời gian tới, Sở sẽ xây dựng kịch bản 5.000 giường, 20.000 giường và 50.000 giường.
Hà Nội đang xây dựng kế hoạch điều trị cho 50.000 bệnh nhân. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Sở Y tế sẽ chia làm 4 tầng điều trị F0. Tầng 1 là 80% bệnh nhân không hoặc có ít triệu chứng. Các bệnh nhân này sẽ được điều trị khi bệnh viện dã chiến được kích hoạt. Tầng 2 là bệnh nhân có triệu chứng trung bình, có bệnh nền hoặc liên quan chuyên khoa khác như ngoại, sản, nhi. Sở sẽ kích hoạt cơ sở y tế cấp quận, huyện để điều trị.
Tầng 3, 4 điều trị 5% bệnh nhân nặng và khoảng 1% rất nặng bắt buộc phải thở máy hoặc lọc máu. Nhóm 1% này có nguy cơ tử vong cao. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chịu trách nhiệm làm bệnh viện hồi sức tuyến cuối với khoảng 200 giường.
Kết luận buổi họp báo, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết nguy cơ dịch bệnh lây lan đang rất cao nếu không áp dụng biện pháp mạnh hơn. Với tính chất là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, Hà Nội nếu không phòng, chống dịch tốt sẽ có tác động tới cả nước.
Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, phương án, kịch bản theo từng cấp độ chống dịch đã được TP chỉ đạo cơ quan chức năng chủ động thực hiện. Ngành y tế đảm bảo được công tác điều trị, chữa trị trong các tình huống, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, vật tư để chống dịch, cách ly, tiêm chủng.
Ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh TP đã có kế hoạch đảm bảo mọi nhu cầu tối thiểu của người dân. Từng xã, thôn đã có phương án cụ thể, song TP sẽ tiếp tục rà soát để có chính sách riêng ngoài chính sách của Trung ương quy định, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.
Bình luận