Sáng 28/6, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô với kết quả biểu quyết 462/470 đại biểu có mặt tán thành.
Một trong những nội dung đáng chú ý là luật quy định, trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND các cấp của Hà Nội được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Các đại biểu bấm nút thông qua dự thảo luật. Ảnh: QH. |
Thủ đô cần phải có các yêu cầu cao hơn
Quy định này áp dụng với các công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Đồng thời, công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai; công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy (PCCC) mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.
Ngoài ra, biện pháp cắt điện, nước cũng được áp dụng với công trình thi công không đúng theo thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt; công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC; công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.
HĐND thành phố sẽ quy định chi tiết trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Liên quan đến nội dung này, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cho biết, có những ý kiến tán thành việc đưa ra biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm.
Một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc khi áp dụng biện pháp này vì có thể không phù hợp với quy định của Hiến pháp, ảnh hưởng đến quyền của công dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo luật xác định biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm xuất phát từ vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô.
Với Thủ đô cần phải có các yêu cầu cao hơn trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhất là về PCCC, lấn chiếm đất công, xây các công trình trái phép...
Dẫn quy định tại Điều 14 của Hiến pháp “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lquốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, ông Tùng nhấn mạnh, dự thảo luật xác định cắt điện, nước là biện pháp để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoàn toàn phù hợp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung các trường hợp áp dụng biện pháp này để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về PCCC trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Luật được thông qua cũng quy định rõ, trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ điện, nước trong việc ngừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.
Theo đó, người cung cấp dịch vụ điện, nước phải thông báo cho người sử dụng dịch vụ và thể hiện trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước.
Với hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được giao kết trước ngày luật có hiệu lực thi hành, các bên tham gia hợp đồng có trách nhiệm bổ sung hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng để thể hiện nội dung liên quan đến việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QH. |
Mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá hai lần mức chung
Ngoài ra, Luật cho phép HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng.
Mức phạt trên được áp dụng trong các lĩnh vực: Văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, PCCC, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Về quy định thử nghiệm có kiểm soát, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: Không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lĩnh vực về biến đổi, chỉnh sửa gen người.
Luật cũng đưa ra nguyên tắc giới hạn các nhóm quy định của pháp luật mà tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát có thể được phép không áp dụng. HĐND thành phố sẽ quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với từng dự án cụ thể cũng như yêu cầu, mục đích thử nghiệm.
Luật quy định cụ thể hơn việc miễn trách nhiệm dân sự với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm trong trường hợp đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Luật Thủ đô gồm 7 chương, 54 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số quy định có hiệu lực thi hành muộn hơn, từ ngày 1/7/2025 như thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; việc thử nghiệm có kiểm soát…
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.