Theo trình bày trong buổi tọa đàm, nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 trong không khí - tức nồng độ các chất dạng hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micron và có thể đi sâu vào phổi và hệ tuần hoàn – đo được ở trạm đo đặt tại Đại sứ quán Mỹ, đã vượt quá quy chuẩn an toàn của Việt Nam 88 ngày trong năm 2018, và đạt mức trung bình 40,7 microgram/m3.
Tuy nhiên nếu tính theo quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nồng độ PM2.5 vượt quá ngưỡng 232 ngày trong năm qua.
Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), cho biết Hà Nội xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và 209 trong tổng số 3000 thành phố được xếp hạng về mức độ ô nhiễm bụi PM2.5, theo báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới 2018. TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 15 trong Đông Nam Á và 455 trên thế giới.
Các chuyên gia đều đồng ý rằng vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội chưa có đủ các nghiên cứu.
“Chưa có những nghiên cứu cho thấy bao nhiêu phần gây ô nhiễm là từ bên trong hay từ bên ngoài Hà Nội”, bà Thủy nói. “Chúng ta cần thêm thông tin để hỗ trợ cho chính sách, để các chính sách dựa vào khoa học, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm”.
Các chuyên gia trao đổi về chất lượng không khí trong buổi tọa đàm ngày 13/3. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Các chuyên gia cho biết theo đo đạc sơ bộ ở một vài trạm đo, các điểm có mức độ ô nhiễm cao nhất nằm gần các trục đường giao thông chính như Minh Khai, Phạm Văn Đồng. Mức ô nhiễm không chênh lệch nhiều giữa giờ cao điểm và các khoảng thời gian khác, nhưng tăng đột biến vào mùa đông.
“Chưa thể nói chắc chắn nguyên nhân, nhưng đây là quan sát từ các nghiên cứu”, tiến sĩ Lý Bích Thủy, giảng viên trường Khoa học và Công nghệ Môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết.
Các chuyên gia cũng cho biết người Việt coi ô nhiễm không khí là vấn đề lo lắng lớn thứ 2 chỉ sau việc làm, và chỉ 4% số người được hỏi nói họ hài lòng với chất lượng không khí, theo thăm dò năm 2018 của Viện Nghiên cứu Mekong.
Các chuyên gia nêu ra các biện pháp lâu dài để Việt Nam khắc phục ô nhiễm không khí, bao gồm giảm thiểu các nguồn phát thải lớn, ban hành luật bảo vệ môi trường không khí, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
“Chúng ta có lựa chọn để không phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than, vì giá thành của các nguồn nhiên liệu tái tạo đã trở nên rẻ hơn”, bà Khanh phát biểu.