Xã Đồng Tâm dự kiến được tách thành 6 thôn, thay vì 2 thôn như hiện tại. Ảnh: Việt Hùng. |
UBND Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc đề nghị thành lập, đặt tên thôn, tổ dân phố mới và đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc các quận, huyện, thị xã năm 2022.
Theo đó, thành phố cho biết xã Đồng Tâm hiện chỉ có hai thôn là thôn Hoành và thôn Đồng Mít với tổng số 2.771 hộ gia đình ứng với 9.801 người, được tổ chức thành 14 cụm dân cư (xóm).
Năm 2013, UBND huyện Mỹ Đức và UBND xã Đồng Tâm đã có phương án chia tách hai thôn để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở và sinh hoạt của người dân địa phương.
Tuy nhiên, từ thời điểm trên đến cuối năm 2020, địa bàn xã Đồng Tâm có nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là tại thôn Hoành. Vì vậy, kế hoạch chia tách chưa được triển khai.
Đến nay, UBND Hà Nội cho biết tình hình đã ổn định. Vì vậy, UBND huyện Mỹ Đức và UBND xã Đồng Tâm xây dựng đề án chia tách thôn Hoành và thôn Đồng Mít để thành lập thôn mới.
Nhà văn hóa thôn Hoành, một trong hai thôn trực thuộc xã Đồng Tâm. Ảnh: Việt Hùng. |
Về phương án, thôn Hoành với 1.814 hộ gia đình sẽ được chia thành 4 thôn mới gồm các thôn: Hoành 1 (425 hộ gia đình), Hoành 2 (402 hộ gia đình), Hoành 3 (513 hộ), Hoành 4 (474 hộ).
Cùng với đó, thôn Đồng Mít với 957 hộ gia đình sẽ được chia để thành lập 2 thôn mới: Đồng Mít 1 (556 hộ) và Đồng Mít 2 (401 hộ).
Đảng ủy, UBND xã Đồng Tâm đã xây dựng phương án bố trí người hoạt động không chuyên trách ở thôn dự kiến thành lập, bao gồm các chức danh: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các chi đoàn, chi hội…
Cùng với đó, lãnh đạo huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm cho biết trước đây, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn và số người trực tiếp tham gia công việc của thôn cùng các cụm dân cư tương đối lớn, khoảng 102 người.
Địa phương phải chi bồi dưỡng từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách với những người này, mặc dù hiệu quả công tác không cao.
Theo phương án của huyện Mỹ Đức, khi thành lập 6 thôn mới trên cơ sở chia tách hai thôn cũ, địa phương sẽ bố trí 12 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, 30 người trực tiếp tham gia công việc của thôn. Những người này được hưởng phụ cấp và mức bồi dưỡng theo quy định của thành phố.
Đồng thời, 18 người sẽ trực tiếp hỗ trợ công việc của thôn. Như vậy, cơ chế hoạt động giảm 70 người tham gia, từ đó giảm nguồn ngân sách mà xã phải cân đối chi trả.
UBND huyện Mỹ Đức và UBND xã Đồng Tâm cũng có phương án cụ thể để bố trí sử dụng các nhà sinh hoạt cộng đồng của cụm dân cư hoặc bố trí quỹ đất để xây mới nhà sinh hoạt cộng đồng cho người dân sau khi thành lập thôn mới.
Ngoài đề xuất trên, thành phố dự kiến thành lập thôn, tổ dân phố mới trên cơ sở chia tách các thôn, tổ dân phố có quy mô hộ gia đình lớn thuộc phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm) và sáp nhập hai tổ dân phố ở phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) vào làm một.
Cũng trong dự thảo này, UBND Hà Nội đề xuất thành lập 32 tổ dân phố mới từ các khu vực dân cư mới hình thành thuộc các phường: Phúc Lợi, Thượng Thanh (Long Biên); Yên Nghĩa (Hà Đông); Tây Mỗ (Nam Từ Liêm); Tứ Hiệp (Thanh Trì), Nhân Chính (Thanh Xuân); Yên Sở, Mai Động (Hoàng Mai).
Nếu các đề xuất trên được thông qua vào kỳ họp HĐND cuối năm nay, Hà Nội sẽ có 5.430 thôn, tổ dân phố.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.