Với mục tiêu giảm ôtô đi vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc, ô nhiễm môi trường, Sở GTVT Hà Nội vừa cùng với đơn vị tư vấn xây dựng phương án lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô.
Đây là nội dung quan trọng để triển khai lộ trình quản lý phương tiện cá nhân, nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030 được HĐND thành phố thông qua tháng 7/2017.
Ứng dụng công nghệ để thu phí không dừng
Vị trí các trạm thu phí này nằm ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường vành đai 3 đã được khép kín, bao gồm các tuyến: Vành đai 3 (dưới thấp) - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.
Trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, đơn vị tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành.
Hà Nội dự kiến đặt 87 trạm thu phí ôtô vào nội đô để giảm ùn tắc. Ảnh minh họa: Thạch Thảo. |
Đơn vị tư vấn đề xuất thời gian thu phí xe vào nội thành từ 5h đến 21h, mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm sẽ có sự khác biệt.
Đối tượng chịu phí là ôtô di chuyển từ bên ngoài vào khu vực thu phí gồm: Ôtô con cá nhân; taxi; xe tải và ôtô khách thương mại. Các loại phương tiện bán công cộng, vận tải sẽ áp dụng các mức phí khác nhau theo hướng thấp hơn so với xe con cá nhân.
Đơn vị quản lý dự kiến lựa chọn công nghệ thu phí không dừng, kết hợp nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm).
Đánh giá về giải pháp thu phí này, đơn vị tư vấn cho rằng việc thu phí đối với phương tiện là giải pháp kinh tế, hạn chế lượng phương tiện giao thông đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc.
"Hình thức thực hiện này đã được nhiều nước trên thế giới, trong khu vực áp dụng hiệu quả, tuy nhiên đối với nước ta vẫn là một vấn đề vừa mới vừa quan trọng”, cơ quan tư vấn đề án đánh giá.
Về lộ trình, việc thu phí dự kiến theo 3 giai đoạn, gồm 2021-2025: Nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí; 2025-2030: Xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; Từ năm 2030: Xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.
Sau khi xác định được vị trí đặt các trạm thu phí, lộ trình, đơn vị tiếp tục làm việc với Sở GTVT Hà Nội xác định cụ thể về loại phí mới, phạm vi thu phí, đối tượng thu phí; hình thức đầu tư các trạm thu phí, mức phí và công nghệ thu phí...
87 trạm thu phí được xây dựng ở đâu?
Cơ quan xây dựng phương án cho biết hiện nay số lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng lên 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu xe; ôtô là 600.000.
Theo Đề án quản lý xe cá nhân, đến năm 2030 thành phố Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành, tuy nhiên do số lượng ôtô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên việc đưa ra phương án thu phí vào nội đô để giảm lượng ôtô trong khu vực trung tâm là cần thiết.
Sở GTVT Hà Nội cho biết phương án này nhằm thực hiện lộ trình quản lý phương tiện cá nhân với tầm nhìn 2030. Ảnh: Việt Linh. |
Để lập 87 trạm thu phí trên, đơn vị tư vấn xác định 68 vị trí và thực hiện thu phí; phân làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Xây dựng thí điểm 15 trạm thu phí tại 9 vị trí. Các vị trí này nằm trên các trục đường nội đô dễ xảy ra ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, gồm: Đường Giải Phóng 1 trạm; Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi 3 trạm; nút Lê Văn Lương 3 trạm; Nút giao Big C 3 trạm; Xuân Thủy 1 trạm; Hoàng Quốc Việt 1 trạm; Nút giao Võ Chí Công 1 trạm; Nút giao đầu cầu bắc Chương Dương 1 trạm; Nút giao Nguyễn Văn Linh - Đàm Quang Trung 1 trạm.
Giai đoạn 2: Đầu tư xây dựng 59 trạm thu phí tại 46 vị trí, gồm: Đê Nguyễn Khoái 1 trạm, Lĩnh Nam 1 trạm, Tây Trà 1 trạm, Yên Duyên 1 trạm, lối vào Gamuda 4, Tam Trinh 1 trạm, Sở Thượng 1 trạm, Hưng Thịnh 1 trạm, lối vào Trung tâm khu hành chính quận Hoàng Mai 1 trạm, Bùi Huy Bích 1 trạm, Nguyễn Hữu Thọ 1 trạm, các ngõ vào Khu Đô thị Bắc Linh Đàm 4 trạm, Kim Giang 1 trạm, Thanh Liệt 1 trạm, các ngõ 66, 68, 168 Nghiêm Xuân Yêm 3 trạm, Hoàng Đạo Thành 1 trạm, Ngõ 171 Nguyễn Xiển 1 trạm, Ngõ 161 Nguyễn Xiển 1 trạm, Ngõ 129 Nguyễn Xiển 1 trạm, Nguyễn Huy Tưởng 1 trạm, Ngõ 90 Khuất Duy Tiến 1 trạm, Ngụy Như Kom Tum 1 trạm, Hoàng Ngân 1 trạm, Tú Mỡ 1 trạm, Mạc Thái Tông 1 trạm, Nguyễn Quốc Trị 1 trạm, Mạc Thái Tổ 1 trạm, Dương Đình Nghệ 1 trạm, Đường Khu Công viên Cầu Giấy 1 trạm, Tôn Thất Thuyết 1 trạm, Duy Tân 1 trạm, Ngõ 7 Phạm Hùng 1 trạm, Trần Quốc Vượng 1 trạm, nút Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến 3 trạm, Trần Quốc Hoàn 1 trạm, Tôn Quang Phiệt 1 trạm, Trần Cung 1 trạm, Nút Tây Hồ Tây (THT) giao Đỗ Nhuận hướng đi Hoàng Quốc Việt 1 trạm, 3 nhánh của Tây Hồ Tây đi Hoàng Quốc Việt 3 trạm, Nút Tây Hồ Tây giao Nguyễn Văn Huyên kéo dài 1 trạm, Xuân La 1 trạm, Nguyễn Hoàng Tôn 1 trạm, Ngõ 655 Lạc Long Quân 1 trạm, Ngõ 603 Lạc Long Quân 1 trạm, Ngõ Lotte và 2 ngõ thông sang Lạc Long Quân 4 trạm, Ngõ 689 Lạc Long Quân 1 trạm, Nút An Dương Vương đầu cầu 1 trạm.
Giai đoạn 3: Đầu tư xây dựng 13 trạm thu phí tại 13 vị trí, gồm: Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3 1 trạm, Vành đai 3 - Cổ Linh - Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 1 trạm, Đê Long Biên - Xuân Quan 1 trạm, Cầu Đông Trù 1 trạm, Chân đê Ngọc Thụy 1 trạm, Đường Lý Sơn vào khu đô thị Thượng Thanh 1 trạm, Nút giao trung tâm Quận Long Biên 1 trạm, Lối rẽ từ đường Nguyễn Văn Linh vào sân Golf Long Biên 1 trạm, Nút giao Huỳnh Tấn Phát 1 trạm, Nút giao Thạch Bàn 1 trạm, Ngõ 68 Nguyễn Văn Linh 1 trạm, Nút giao cầu Thanh trì 1 trạm, Nút giao Vành đai 3 với đường nối Lê Trọng Tấn 1 trạm.
Đơn vị tư vấn cho biết giai đoạn 2021-2025, các đơn vị có liên quan thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí. Giai đoạn 2025-2030 sẽ xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại các vị trí đã được lập.
Trước đó ý tưởng thu phí phương tiện vào nội đô của Hà Nội đã được đưa ra nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý. Hà Nội đã báo cáo Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc Hội sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với tình hình thực tế và làm cơ sở thực hiện đề án.
Trên cơ sở ý kiến của các bộ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến cấp có thẩm quyền cho phép TP Hà Nội xây dựng đề án.