Chiều 23/2, chủ trì buổi làm việc của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh dù Ban chỉ đạo Quốc gia chưa công bố chính thức coi các nước có số ca nhiễm cao như Hàn Quốc, Nhật Bản là vùng dịch, nguy cơ lây tại Hà Nội đang ở mức cao.
Chiều cùng ngày, Hàn Quốc thông báo thêm 46 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm virus corona ở nước này lên tới 602 và 5 người đã tử vong.
Tình hình phức tạp
Đối với các trường hợp du khách Hàn Quốc tại Hà Nội, ông Chung cho hay họ vẫn đi lại khá bình thường trong những ngày qua tại thủ đô. Bên cạnh đó, Hàn Quốc là quốc gia có rất nhiều công dân, người lao động, sinh viên Việt Nam đang sinh sống.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: T.T. |
Rất có thể trong những ngày tới, thành phố sẽ phải lên kế hoạch đón những công dân từ Hàn Quốc về để cách ly, giám sát. "Nếu số công dân này về nước thì Hà Nội có thể phải tiếp nhận hàng nghìn người. Chúng ta cần chủ động", ông Chung nhấn mạnh.
Trên cơ sở chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Ban chỉ đạo tổ chức cuộc họp để cập nhật tình hình dịch bệnh trong thời gian qua, nhất là tại các nước đang bùng phát dịch. Bên cạnh đó, ông Chung yêu cầu sở, ngành, quận, huyện quán triệt, chỉ đạo các biện pháp phù hợp với diễn biến dịch.
"Tình hình hiện nay là nguy hiểm và hết sức phức tạp", ông Chung đánh giá.
Đề nghị cách ly 14 ngày người về từ vùng dịch của Hàn Quốc
Báo cáo tại cuộc họp, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết đến 15h ngày 23/2, Hà Nội chưa ghi nhận trường họp nào dương tính với virus corona. Thành phố vẫn còn 384 người đang được theo dõi sức khỏe tại cộng đồng, 64 trường hợp cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an thành phố.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, tình hình dịch bệnh có xu hướng lan rộng và bùng phát ở một số quốc gia ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây là thách thức trong việc kiểm soát dịch bệnh đối với các nước khác trong khu vực.
Hà Nội họp khẩn trong bối cảnh số ca nhiễm ở Hàn Quốc tăng cao trong ngày 23/2. Ảnh: T.T. |
Cho biết hiện có khoảng 26.000 công dân Việt Nam sinh sống tại 2 tỉnh bùng phát dịch tại Hàn Quốc (Deagu và Bắc Gyeongsang), ông Hạnh đề nghị Ban chỉ đạo nghiên cứu, tìm phương án bố trí bệnh viện, cơ sở để chuẩn bị cách ly nếu số công dân này về nước.
Đặc biệt, Phó giám đốc Sở Y tế đề nghị thành phố có chỉ đạo đối với toàn bộ du khách Hàn Quốc đến Hà Nội từ 2 vùng có dịch thì cách ly tại nơi cư trú 14 ngày. Sở Ngoại vụ phối hợp, đưa ra ý kiến vì có yếu tố người nước ngoài. Người Việt Nam đi từ vùng có dịch về Hà Nội thì cách ly tập trung trong 14 ngày.
Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị Bộ Tư lệnh thủ đô, quân đội đóng trên địa bàn, tạo điều kiện, bố trí tổ chức cách ly số người Việt này. Ngành y tế thành phố sẽ phối hợp trong vấn đề giám sát sức khỏe. Thành phố quán triệt, chỉ đạo các quận huyện, xã, phường, công an khu vực điều tra, xác định người từ vùng có dịch về.
"Phải nắm được danh sách của tất cả những người này, lịch trình của họ, nếu có vấn đề gì về sức khỏe thì phải cách ly, phát hiện sớm", ông Hạnh nói.
Đề nghị các sân golf phải có máy đo thân nhiệt để kiểm tra người chơi, do các sân golf là nơi có rất nhiều người Hàn Quốc
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho hay các chuyên gia y tế nhận định khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới sẽ rất khó khăn trong thời gian tới, đặc biệt là ở các quốc gia để dịch bùng phát mạnh. Ông cũng đề nghị thành phố đưa các du khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore vào diện cách ly thêm bên cạnh Trung Quốc.
Đối với người Việt Nam đi nước ngoài, cơ quan chức năng phải chủ động nắm bắt, tìm hiểu lịch trình của họ. Sở Du lịch cần giám sát các khu du lịch, vui chơi, đặc biệt là các nơi tập trung đông người nước ngoài như trung tâm thương mại, sân golf.
“Đề nghị các sân golf phải có máy đo thân nhiệt để kiểm tra người chơi, do các sân golf là nơi có rất nhiều người Hàn Quốc. Tôi đã thấy nhiều sân golf đã thực hiện việc này rồi”, ông nói.
Về việc chuẩn bị cho học sinh đi học, ông Hiền đề nghị các quận tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch thành phố, chủ động nắm bắt sức khỏe của giáo viên, học sinh, có vấn đề cần xử lý ngay.
Lo quán bar, karaoke thành ổ dịch
Chỉ đạo kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung liên tục nhấn mạnh các cơ quan, ngành của thành phố không được chủ quan. Đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ tiếp xúc, tuyên truyền ở những khu vực nguy cơ cao cần hết sức cẩn thận, đề phòng. Đây sẽ là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm lớn.
Hà Nội cần nâng mức kiểm soát, cảnh báo với những công dân Hàn Quốc, công dân Việt Nam đi làm việc từ những vùng dịch về
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Ông yêu cầu các quận, huyện như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông mời phiên dịch tiếng Hàn, Trung, Nhật… đến các khu chung cư có người nước ngoài thông tin để họ nắm bắt, tạo đồng thuận trong phòng chống dịch, có trách nhiệm với cộng đồng.
"Tôi lo lắng thực sự, Hà Nội cần nâng mức kiểm soát, cảnh báo với những công dân Hàn Quốc, công dân Việt Nam đi làm việc từ những vùng dịch về. Công an thành phố chủ trì phối hợp với các quận huyện rà soát nắm tình hình với phương châm đến từng nhà, rà từng hộ", ông Chung nhấn mạnh.
Đặc biệt, Chủ tịch thành phố yêu cầu các quận, huyện giao lực lượng công an, phòng văn hoá, các phường… rà soát và yêu cầu những quán bar, karaoke hạn chế hoạt động bởi nguy cơ ở những nơi này là rất cao.
"Nhà hàng, quán bar, karaoke không khéo thành ổ dịch", ông nói.
Chủ tịch thành phố một lần nữa yêu cầu các sở, ngành lưu ý việc công dân Việt Nam tại 2 tỉnh có dịch của Hàn Quốc là rất lớn, có khả năng Hà Nội sẽ tiếp nhận một phần về để cách ly, giám sát.
"Sở Y tế rà soát, lên con số chính xác chúng ta cách ly được bao nhiêu, hết công suất là bao nhiêu, đề nghị lên danh sách các trang thiết bị, cơ sở cần thiết cho việc này. Tăng cường bác sĩ, y tá như thế nào, khả năng phân công ca trực, sức chịu đựng thế nào. Trong những ngày tới có thể phải làm việc 24/24h và 24/7", ông Chung nói.
Về việc chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu bắt buộc các lớp phải có nhiệt kế điện tử, đo cho học sinh trước khi vào lớp và về; bắt buộc có xà phòng, nước rửa tay; tập huấn cho giáo viên xử lý thành thạo đối với học sinh xuất hiện các biểu hiện bệnh; bắt buộc có đủ điều kiện khử khuẩn vệ sinh lớp học, vệ sinh sau mỗi buổi.
"Cần duy trì trong tháng 3-4, các trường cũng không tập trung chào cờ chỉ thực hiện trong lớp học; bố trí giờ nghỉ lệch giờ nhau tránh tập trung đông người. Đặc biệt chú ý các trường học mầm non không cho các cháu ngồi quá đông", Chủ tịch UBND Hà Nội chỉ đạo.