Sáng 6/7, HĐND TP. Hà Nội đã dành cả buổi sáng để tiến hành phiên chất vấn xung quanh nội dung chấp hành pháp luật về quản lý và sử dụng nhà chung cư. Đây là lần đầu tiên HĐND dành riêng một buổi chất vấn về vấn đề này.
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Những tồn tại trong quản lý nhà chung cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp hơn.
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội nhất trí với Bí thư Hoàng Trung Hải khi yêu cầu không giao dự án mới cho chủ đầu tư chây ì. Ảnh: Việt Linh. |
Nóng chuyện quỹ bảo trì và ban quản lý chung cư
Hàng loạt câu hỏi của đại biểu được nêu ra. Ông Nguyễn Nguyên Quân (Hoàng Mai) đặt vấn đề toàn thành phố có 137 chung cư xây dựng trước năm 2005, nhiều tòa không có quỹ bảo trì, gây khó khăn cho công tác duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng. Vị này còn nhấn mạnh công tác cưỡng chế chủ đầu tư đang được thực hiện không hiệu quả.
Ngoài ra, nhiều toà chung cư thương mại xây dựng sau năm 2005 hiện đã thành lập Ban Quản trị nhưng chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo trì 2% theo quy định của pháp luật. Thực tế này dẫn đến tình trạng cư dân bức xúc kéo dài, tập trung đông người phản đối chủ đầu tư, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Vấn đề tranh chấp nhà chung cư xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội thời gian qua. Ảnh: Hiếu Công. |
Ông đề nghị Sở Xây dựng làm rõ trách nhiệm của mình trong các vấn đề này và cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Lê Vĩnh Sơn (Đông Anh) truy trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc tham mưu khi chưa có chế tài xử lý việc chậm thành lập ban quản trị, chậm bàn giao hồ sơ.
Trong khi đó, ĐB Quốc Khánh (Hoàng Mai) dẫn thực tế nhiều ban quản trị nhà chung cư còn hạn chế trong kiến thức, cập nhật văn bản… Vậy Sở Xây dựng khắc phục điều này như thế nào.
Dẫn ra trường hợp toà nhà Victoria ở Hà Đông khi Ban quản trị được thành lập nhưng lại có mâu thuẫn với chính cư dân, ĐB Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn) đề nghị Chủ tịch quận Hà Đông trách nhiệm của quận trong việc kiểm tra, giám sát thế nào.
Trách nhiệm nhiều phía
Một loạt lãnh đạo ở các sở ngành Hà Nội như Xây dựng, Quy hoạch và Kiến trúc, Tài chính, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) cùng giải đáp chất vấn của đại biểu.
Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội Lê Văn Dục cho rằng cho nhiều nguyên nhân của việc nhà ở thương mại, việc các chủ đầu tư chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư.
Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc số cư dân vào ở còn chưa đủ dẫn tới việc không thể tổ chức hội nghị nhà chung cư. Thậm chí xuất phát từ chính ý thức tham gia của những cư dân.
Về mặt chính quyền, trách nhiệm còn thuộc về các UBND quận, huyện. Còn về Sở Xây dựng chịu trách nhiệm yêu cầu các chủ đầu tư bàn giao đầy đủ hồ sơ.
Lãnh đạo sở Xây dựng Hà Nội bị đại biểu hỏi nhiều về trách nhiệm để xảy ra tranh chấp nhà chung cư. Ảnh: Việt Linh. |
Với những toà nhà không có quỹ bảo trì, ông Lê Văn Dục cho rằng nếu không có diện tích kinh doanh chung thì buộc người dân phải đóng góp để có kinh phí duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng, không có giải pháp nào khác.
Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các ban quản trị, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết theo quy định đều do cư dân chọn. Hiện toàn Hà Nội đã bầu được 310 ban quản trị trong các chung cư thương mại và 71 chung cư tái định cư.
"Việc đào tạo là chính xác, và trách nhiệm này thuộc về Sở Xây dựng. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thực hiện tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và ban hành các cơ chế chính sách", ông Dục nói.
"Chủ đầu tư chây ỳ"
Tham gia giải trình thêm tại phiên chất vấn, một số chủ tịch UBND quận đã “chia lửa” với các giám đốc sở. Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng đã thông tin thêm về mâu thuẫn nội bộ giữa ban quản trị và cư dân chung cư Văn Phú Victoria (Hà Đông).
Tranh chấp nhà chung còn xảy ra trong nội bộ cư dân và ban quản trị. Ảnh: HT. |
Ông cho rằng trong quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư xảy ra khá nhiều mâu thuẫn, vướng mắc giữa chủ đầu tư với ban quản trị, giữa ban quản trị với người dân. Đặc biệt là trường hợp của toà chung cư Victoria, khu đô thị Văn Phú Invest.
Ông nhấn mạnh nguyên nhân do chủ đầu tư đã bàn giao 100% quỹ bảo trì cho ban quản trị, nhưng ban quản trị đã sử dụng tài chính không minh bạch, năng lực quản lý yếu kém. Từ đó dẫn đến việc người dân đã tập hợp 775 chữ ký vào đơn kiến nghị thay thế ban quản trị.
“UBND quận đã chỉ đạo phường và các phòng ban liên quan có 5 buổi làm việc với BQT và cư dân nhưng chưa giải quyết được vấn đề. Quận sẽ tiếp tục chỉ đạo giải quyết vấn đề tại chung cư Victoria, trong tháng 7 này sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư để lấy tín nhiệm của cư dân xem có thay thế ban quản trị hay không”, ông nói.
Chủ tịch quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho biết trên địa bàn có 5 nhà chung cư còn lại chưa thành lập được Ban quản trị vì chủ đầu tư cố tình chây ỳ, câu giờ, gây khó khăn. Quận đã lập biên bản vi phạm hành chính, kiên quyết yêu cầu thành lập theo quy định.
Giải trình thêm cuối phiên chất vấn, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, khẳng định thành phố sẽ quyết liệt xử lý triệt để vấn đề, tăng cường công tác quản lý, nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền cơ sở.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý các cơ quan Nhà nước "cần tăng cường trách nhiệm của địa phương. Với chủ đầu tư cố tình vi phạm, thành phố sẽ cương quyết không giao dự án mới. Thành phố cũng sẽ xem xét xử lý các cá nhân, tổ chức, gây bất ổn tình hình an ninh".
Trong buổi sáng đã có 28 lượt đặt câu hỏi và tranh luận, cao nhất từ trước đến nay. Tại kỳ họp trước, cả ngày mới có 19 lượt câu hỏi, nhưng đến nay đổi hình thức mới đã có 28 lượt câu hỏi.
Về chính quyền tham gia trả lời đã có 11 người, trong đó có 6 lãnh đạo quận huyện, 4 sở ngành, 1 lãnh đạo thành phố.