Tập đoàn FLC vừa thông báo về đã nhận được các quyết định của Cục thuế Thành phố Hà Nội vào ngày 4/8 và đã công bố trên trang thông tin điện tử từ ngày 5/8.
Cụ thể, cơ quan này ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế số tiền 11,5 triệu đồng. Nguyên nhân là công ty chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân.
Cục thuế Hà Nội còn ra 8 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tổng số tiền gần 72 tỷ đồng. Lý do công ty có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Việc cưỡng chế thuế sẽ được thực hiện bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC mở tại Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank, MB, VPBank, OCB chi nhánh Hà Nội và VIB chi nhánh quận 1.
Dự án FLC tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: T.L |
Trước đó FLC cũng nhận 3 quyết định của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình về việc cưỡng chế thuế tương tự với tổng số gần 224 tỷ đồng. Các biện pháp trích tiền từ và phong tỏa tài khoản của FLC mở tại OCB chi nhánh Hà Nội, tại VIB chi nhánh quận 1 và BIDV chi nhánh Thanh Xuân.
Như vậy, chỉ trong trong vòng 2 ngày, FLC đã nhận được thông báo phong tỏa tài khoản để cưỡng chế, số tiền thuế gần 300 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh và đầu tư của FLC Group gặp nhiều thách thức kể từ sau khi cựu chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam về hành vi thao túng chứng khoán, dẫn đến những xáo trộn về nhân sự và chiến lược.
FLC được biết đến là chủ nhiều dự án bất động sản nổi bật trải dài từ Bắc đến Nam. Tập đoàn liên tiếp công bố kế hoạch đầu tư vào loạt dự án mới và nghiên cứu đầu tư, xúc tiến pháp lý cho gần 300 dự án trước biến cố nhân sự.
Sau sự kiện trên, nhiều địa phương đã có động thái dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động hàng loạt dự án như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi... với quy mô hàng nghìn tỷ đồng và hàng trăm ha.
Các chỉ số tài chính của tập đoàn cũng diễn biến xấu đi khi số dư tiền và tương đương chưa đến 300 tỷ đồng tại thời điểm giữa năm nay.
Doanh nghiệp cũng bị hạn chế về nguồn vốn khi phải thanh toán toàn bộ số dư nợ vay 573 tỷ đồng tại OCB và trả hết tổng cộng hơn 1.900 tỷ đồng nợ vay tại Sacombank. Nguồn vốn mới phải vay từ thành viên HĐQT Lê Thái Sâm 621 tỷ đồng và vay mới 185 tỷ đồng từ Tập đoàn Homeliday.
Quy mô doanh thu bán niên giảm 60% về 1.661 tỷ đồng. Cộng thêm chi phí hoạt động cao và khoản lỗ lớn từ mảng hàng không khiến FLC bị lỗ sau thuế đến 1.106 tỷ đồng.
Ngoài ra nợ xấu của tập đoàn cũng gia tăng từ mức 82 tỷ lên 132 tỷ đồng, tức tăng hơn 60% chủ yếu do phải trích lập dự phòng lớn cho khoản mục trả trước cho người bán.