Tập đoàn FLC vừa có thông báo về việc nhận được các quyết định của Cục thuế tỉnh Quảng Bình và đã công bố trên trang thông tin điện tử từ ngày 2/8.
Cụ thể ngày 29/7, Cục thuế tỉnh Quảng Bình ban hành 3 quyết định cưỡng chế gần 224 tỷ đồng đối với FLC. Lý do là công ty có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế sẽ được thực hiện bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC mở tại OCB chi nhánh Hà Nội, tại VIB chi nhánh quận 1 và BIDV chi nhánh Thanh Xuân.
Một dự án đang xây dựng của FLC tại Quảng Bình. Ảnh: FLC Quảng Bình. |
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án do FLC và công ty liên quan là chủ đầu tư.
Động thái trên nhằm phục vụ quá trình điều tra vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty CP chứng khoán BOS và các doanh nghiệp có liên quan.
Công văn đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu về phê duyệt, triển khai thực hiện nghĩa vụ tài chính tại 10 dự án bất động sản mà chủ đầu tư là FLC, Xây dựng FLC Faros, Đầu tư du thuyền và sân golf FLC Biscom.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất tại cuối quý II, doanh nghiệp đang duy trì số dư tiền và tương đương tiền 299 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 78 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và gần 40 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh.
Doanh nghiệp cũng bị hạn chế về nguồn vốn khi phải thanh toán toàn bộ số dư nợ vay 573 tỷ đồng tại Ngân hàng OCB và trả hết tổng cộng hơn 1.900 tỷ đồng nợ vay tại Sacombank. Nguồn vốn mới phải vay từ thành viên HĐQT Lê Thái Sâm 621 tỷ đồng và vay mới 185 tỷ đồng từ Tập đoàn Homeliday.
Báo cáo kinh doanh nửa đầu năm còn cho thấy nhiều khó khăn mà tập đoàn vấp phải. Quy mô doanh thu giảm 60% về 1.661 tỷ đồng; trong đó mảng bất động sản đóng góp 525 tỷ, bán hàng hóa 706 tỷ và cung cấp dịch vụ 477 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động cao và khoản lỗ lớn từ mảng hàng không đã đẩy lỗ sau thuế 1.106 tỷ đồng. Đây là mức lỗ bán niên cao thứ 2 trong hoạt động, chỉ sau lỗ kỷ lục cùng kỳ năm 2020 bởi ảnh hưởng của đại dịch.
Hiện FLC kiểm soát trực tiếp 21,7% vốn điều lệ Bamboo Airways, tương đương đang rót khoảng 4.000 tỷ đồng. Khoản lỗ từ công ty liên kết lũy kế đến nay là 955 tỷ đồng, tức FLC phải gánh lỗ 454 tỷ đồng từ hãng hàng không này trong nửa đầu năm.
Ngoài ra nợ xấu của tập đoàn cũng gia tăng từ mức 82 tỷ lên 132 tỷ đồng, tức tăng hơn 60% chủ yếu do phải trích lập dự phòng lớn cho khoản mục trả trước cho người bán.