Trong các ngày 6-7/9, Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TN&MT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị quan trắc lấy mẫu phân tích môi trường trong vòng bán kính 500 m tính từ hiện trường vụ cháy Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông.
Kết quả quan trắc do cơ quan này công bố cho thấy gần 10 ngày sau vụ cháy, chỉ có duy nhất chỉ số hàm lượng hữu cơ trong nước COD tại hố ga trước cửa tổ phục vụ và chăm sóc khách hàng của Công ty Rạng Đông là 821mg/l (vượt 5,47 lần so với quy chuẩn). Ngoài ra, tất cả các thông số khác, bao gồm cả nồng độ thủy ngân tại 5 vị trí (là điểm xả cuối trong nhà máy và một số hố ga thoát nước lân cận) đều nằm trong giới hạn cho phép.
Chi cục cũng lấy mẫu không khí tại 6 vị trí lân cận khu vực xảy ra vụ cháy, trong đó có điểm giáp cổng giữa sân Trường tiểu học Hạ Đình. Kết quả phân tích cho thấy các thông số như vi khí hậu, chì, kẽm đều nằm trong giới hạn cho phép, không phát hiện thấy thủy ngân trong không khí trong vòng trung bình 24 giờ.
Các kết quả quan trắc này đều được so sánh và đánh giá dựa trên Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về một số chất độc hại trong không khí.
Nhiều người dân lo ngại thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy ở công ty Rạng Đông. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngày 7/9, Chi cục đã trưng cầu đơn vị quan trắc có đủ năng lực hoạt động dịch vụ quan trắc và tư cách pháp nhân tiến hành lấy mẫu thủy ngân trong không khí xung quanh tại các vị trí: tại khu vực cháy của Công ty Rạng Đông; các vị trí cách vụ cháy 200 m, 500 m và tại Trường tiểu học Hạ Đình.
Kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng thủy ngân (trung bình 24 giờ) trong không khí dưới ngưỡng quy định.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho biết còn một số chỉ tiêu như: SO2, Benzen, bụi,… tại một số vị trí xung quanh vẫn còn vượt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, nhất là vị trí giáp cổng Công ty Động Lực.
Tại vị trí trong sân trường Tiểu học Hạ Đình (có khoảng 550m tính từ tường rào công ty Rạng Đông), kết quả cho thấy tất cả các chỉ tiêu đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Bên cạnh đó, những ngày qua, cơ quan cũng phân công cán bộ kiểm tra việc thực hiện triển khai các biện pháp khắc phục sự cố môi trường tại khu vực cháy thuộc Công ty Rạng Đông.
Qua kiểm tra cho thấy, Rạng Đông đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để hạn chế thủy ngân trong khu vực cháy bay hơi ra môi trường không khí xung quanh khi có nhiệt độ cao. Ngoài ra, công ty này đã thuê đơn vị tiến hành hút bùn và nước thải tại toàn bộ các hố ga xung quanh nhà máy.
Trong khi đó, ngày 8/9, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TNMT cho biết qua đấu tranh, Rạng Đông mới thừa nhận 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng, không phải hợp chất amalgam như đã báo cáo. Hầu hết thuỷ ngân trong các bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy.
Lượng thuỷ ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ có thể từ 15,1 kg đến 27,2 kg.
Chiều 4/9, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết khối lượng thủy ngân phát tán sau vụ cháy Rạng Đông có thể lên tới 27,2 kg. Các hóa chất gây ô nhiễm chủ yếu là thủy ngân và một số kim loại nặng.
Các chất này phát tán vào không khí và môi trường xung quanh. Một phần hòa vào nước chảy vào sông Tô Lịch, tích tụ trầm tích ở bùn đáy. Từ các khuyến cáo của WHO, ông Nhân cho biết vùng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người là trong bán kính 500 m.
Các điểm quan trắc không khí phía trước khu vực cháy và trong nhà kho cháy có giá trị thuỷ ngân cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10 đến 30 lần - ngưỡng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người.