Mới đây Sở Xây dựng Hà Nội đã đưa ra con số giật mình, vẫn còn 23 điểm thuộc địa bàn 12 quận và huyện Thanh Trì có nguy cơ úng ngập khi mưa lớn với lưu lượng từ 50-200 mm/2 giờ. Nếu mưa lớn, lượng mưa từ 100 mm đến 150 mm, liên tục trong 2 giờ, thành phố sẽ có gần 50 điểm bị ngập.
Ở các khu vực thuộc phạm vi thoát nước lưu vực sông Nhuệ và khu vực Hà Đông, dự báo tình trạng úng ngập sẽ nghiêm trọng. Do hệ thống kênh mương (chủ yếu phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, tiêu thoát nước bằng hình thức tự chảy ra sông Nhuệ) đều bị thu hẹp dòng chảy, nhiều nơi cao độ đáy không bảo đảm được khả năng tự chảy để tiêu thoát, nếu mưa lớn, mực nước sông Nhuệ dâng cao, các khu vực này phải chịu cảnh nước ứ đọng.
Theo ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội, nếu so với thời điểm trận lụt lịch sử năm 2008, đến nay hệ thống thoát nước, chống úng ngập Hà Nội đã được đầu tư cải thiện hơn rất nhiều.
“Trong mấy năm qua hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố và nhiều khu vực ở các quận, huyện trên địa bàn đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng tình trạng úng ngập mùa mưa tại Hà Nội vẫn còn rất phức tạp”, ông Quân nói.
Học sinh Hà Nội phải lội nước về nhà trong đợt lụt lịch sử năm 2008. |
Hà Nội sẵn sàng ứng phó lũ lụt
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, mùa mưa bão năm nay được dự báo sẽ diễn biến phức tạp. Trong khi đó, hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố vẫn đang trong quá trình cải tạo, nâng cấp. Ở một số khu vực khác, năng lực thoát nước yếu, do hạ tầng chưa được đầu tư.
Hiện Sở Xây dựng và các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó tình trạng úng ngập trong mùa mưa. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, mỗi quận, huyện phải có phương án chống ngập cục bộ trên địa bàn, có những đề xuất cụ thể đối với những khu vực dễ xảy ra úng ngập và tiêu thoát chậm.
Cụ thể, các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước cục bộ tại khu vực phố Thợ Nhuộm, ngã tư Tây Sơn - Thái Hà - Chùa Bộc, Kim Hoa, ngã tư Quan Nhân - Vũ Trọng Phụng, Cự Lộc, Vĩnh Hưng, Đức Giang...
Phấn đấu đưa các công trình này đi vào hoạt động ngay trong mùa mưa năm nay, giải quyết hiệu quả tình trạng ngập úng trên địa bàn. Đối với 85 hồ nước phục vụ điều hòa thoát nước đô thị, thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, bảo trì hệ thống cống, đập và thống nhất phương án vận hành điều tiết nước hồ, đảm bảo hiệu quả cho công tác chống úng ngập đô thị.
Lý giải về tình trạng nhiều khu vực dân cư, nhiều tuyến phố vẫn bị ngập úng khi xảy ra mưa lớn, đại diện công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: “Nếu tính lượng mưa trong một ngày thì các trận mưa đầu mùa vừa qua còn lớn hơn các trận mưa trong trận lũ lụt lịch sử năm 2008 xảy ra ở Hà Nội. Có trận mưa đo được là gần 300 mm, trong khi đó năm 2008 lượng mưa trong bốn ngày là trên 600 mm. Nếu chia cho các ngày thì năm 2008 chỉ từ 150 đến 170 mm/ngày.
Dù cho rằng, so với năm 2008 thì nay hệ thống thoát nước của Hà Nội đã được cải thiện nhiều nhưng với các trận mưa dài liên tục mà hết ngập ngay là rất khó. Cần phải có thời gian để tiêu thoát nước, hơn nữa quá trình đô thị hóa nhanh, trong khi hệ thống thoát nước vẫn đang trong quá trình hoàn chỉnh”.
Mặc dù hệ thống thoát nước của Hà Nội đã được cải thiện hơn so với năm 2008, nhưng với các trận mưa lớn, kéo dài, Hà Nội chắc chắn sẽ còn nhiều điểm bị ngập úng và không loại trừ tái diễn trận lụt lịch sử năm 2008 nếu không chủ động ứng phó…
Sở Xây dựng Hà Nội đã đưa ra con số giật mình, vẫn còn 23 điểm thuộc địa bàn 12 quận và huyện Thanh Trì có nguy cơ úng ngập khi mưa lớn với lưu lượng từ 50-200 mm/2 giờ. Nếu mưa lớn, lượng mưa từ 100 mm đến 150 mm, liên tục trong 2 giờ, thành phố sẽ có gần 50 điểm bị ngập.