Tại cuộc giao ban, báo chí đã đặt câu hỏi với ông Long về việc ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội (kiêm Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội) khẳng định Hà Nội đã chốt phương án đặt tên đường Võ Nguyên Giáp.
Trước đó, ngày 14/10, Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội đã họp và đưa ra đề xuất lựa chọn tuyến đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuộc họp này, GS, TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, thành viên Hội đồng tư vấn đã cho biết phương án này đã được chốt do “đây là phương án lựa chọn tối ưu nhất” và “chỉ chờ HĐND thành phố, UBND thành phố ra quyết định”.
Còn Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chia sẻ mong muốn: “Hà Nội lúc nào cũng mong muốn được lấy tên Đại tướng để gắn với một tuyến đường phố của Thủ đô”.
Ngày 8/10, Hội tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM đã có đơn kiến nghị tới Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc phong hàm Đại nguyên soái cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trả lời về vấn đề này, ông Phan Đăng Long cho biết: “Hội đồng tư vấn chỉ có vai trò tư vấn chứ không quyết định về việc lựa chọn tên đường Võ Nguyên Giáp. Đây chỉ là những phát biểu ở góc độ cá nhân bởi việc quyết định đặt tên đường, phố có quy trình cụ thể do nguyên tắc đặt tên đường, phố là không thay đổi lại. Đến tháng 12, tại kỳ họp HĐND thành phố sắp tới theo dự kiến, phương án đặt tên đường Võ Nguyên Giáp sẽ được trình để HĐND thành phố biểu quyết thông qua”.
Bên cạnh đó, báo chí cũng đặt câu hỏi với ông Long về việc tạc tượng và xây dựng nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo ông Long, chắc chắn sẽ có nhà tưởng niệm Đại tướng ở Hà Nội nhưng cần nghiên cứu kỹ về cách làm.
“Phương án thông thường thì sử dụng nơi danh nhân từng gắn bó cả đời, sống nhiều năm. Khi Đại tướng còn sống, ở Quảng Bình đã có nhà lưu niệm tại huyện Lệ Thủy. Hiện tại, Hà Nội chưa quyết định phương án cụ thể nhưng chắc chắn sẽ có nhà lưu niệm Đại tướng”, ông Long khẳng định.