Báo cáo HĐND thành phố về kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2020 trước kỳ họp thứ 18, UBND Hà Nội đánh giá tình hình tham nhũng vẫn phức tạp. Thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng rộng, đa dạng.
Các lĩnh vực chủ yếu để xảy ra tham nhũng là quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, mua sắm công.
Năm qua, Công an TP đã thụ lý 48 vụ với 88 bị can liên quan đến tham nhũng. Trong đó, kỳ trước chuyển sang 21 vụ, Công an Hà Nội đã khởi tố 25 vụ với 21 bị can.
Đáng chú ý, tổng số thiệt hại do các vụ án tham nhũng lên đến 238,5 tỷ đồng, trong khi tổng số thu hồi mới đạt 40,3 tỷ đồng.
Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị truy tố trong vụ nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Hải Nam. |
Theo chính quyền TP Hà Nội, công tác quản lý Nhà nước còn nhiều kẽ hở, trình độ quản lý hạn chế, tạo điều kiện cho một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng cơ chế, chính sách hoặc nhiệm vụ để làm trái quy định, trục lợi.
Một số đơn vị chưa quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, còn lúng túng, chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện sớm.
Về những nội dung đã triển khai, UBND thành phố cho biết đã đẩy mạnh công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước. TP cũng rà soát các văn bản, quy định cụ thể về chế độ, định mức, tiêu chuẩn.
Trong kỳ vừa qua, 704 cơ quan, đơn vị của thành phố được kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Thành phố cũng chuyển đổi vị trí công tác của gần 200 cán bộ, công chức để phòng ngừa tham nhũng.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; đảm bảo công khai, minh bạch, phòng ngừa tiêu cực.
Thành phố cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước.