Từ 1/1 đến hết ngày 30/6/2021, Công an thành phố Hà Nội thành lập các tổ lưu động để cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học và các khu dân cư.
Ngoài các tổ lưu động, lực lượng chức năng cũng tiếp nhận hồ sơ (tối thiểu 10 tiếng mỗi ngày) để cấp CCCD mẫu mới tại các trụ sở công an cấp huyện.
Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, làm việc tại các cơ quan, đơn vị ở Hà Nội từ 30 ngày trở lên, nếu chưa có số định danh cá nhân, sẽ được Công an Hà Nội làm thủ tục cấp CCCD.
"Công dân không nhất thiết phải về nơi đăng ký thường trú để thực hiện việc cấp CCCD", Công an Hà Nội cho biết và khẳng định để tạo thuận lợi, người dân có thể đến trụ sở công an nơi đang cư trú để làm thủ tục cấp CCCD gắn chip.
Thẻ CCCD mã vạch đang được sử dụng. Ảnh: N.H. |
Ngoài ra, người có nhu cầu đổi từ CCCD mã vạch hay chứng minh nhân dân 12 số sang CCCD gắn chip có thể đến công an cấp huyện hoặc Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để làm việc này.
Công an Hà Nội khuyến khích công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, người đã được cấp CCCD mã vạch hay chứng minh nhân dân nhưng bị hỏng, mất hoặc hết thời hạn nên đi làm thủ tục để cấp mới hoặc đổi sang CCCD gắn chip.
Các loại giấy tờ đã được cấp còn nguyên vẹn, chưa hết thời hạn sử dụng thì theo quy định vẫn còn giá trị sử dụng. Trong trường hợp này, người dân có thể chờ sau ngày 30/6/2021 để đi cấp, đổi sang CCCD mẫu mới.
Theo Bộ Công an, trên CCCD gắn chip, các thông tin như họ tên, ngày sinh, giới tính, quê quán hay quốc tịch đều được in song ngữ (gồm tiếng Việt và tiếng Anh).
Điểm mới của mẫu thẻ căn cước sắp ban hành so với thẻ cũ là mặt sau của thẻ mới được tích hợp chip điện tử, dòng mã ICAO (mã của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế) và mã QR.
Trong đó, chip điện tử có thể lưu trữ khoảng 20 trường dữ liệu cá nhân, có chữ ký số và khả năng lưu trữ sinh trắc học (vân tay). Chip có độ bảo mật cao nên rất khó làm giả. Bộ Công an đặt mục tiêu cấp khoảng 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip trước ngày 1/7/2021.