Tối 21/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện 16 triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Từ 0h ngày 22/7, Hà Nội quyết định cách ly tập trung đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội theo văn bản số 969 ngày 17/7 của Thủ tướng, trừ lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch; công tác công vụ đảm bảo các yêu cầu, quy định phòng chống dịch được cấp thẩm quyền cho phép.
Theo văn bản số 969, 19 tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 là: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Từ 0h ngày 22/7, Hà Nội quyết định cách ly tập trung đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Việt Linh. |
Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án, đảm bảo công tác trực ban 24/24h, đặc biệt tại các trụ sở cơ quan chính quyền các cấp, các cơ sở y tế tại địa phương để kịp thời xử lý mọi tình huống trong thời gian ngắn nhất.
TP cũng yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập theo quy mô phường, xã, thị trấn, khu đô thị theo tinh thần Chỉ thị số 16. Lực lượng chức năng tại cơ sở, tổ Covid-19 cộng đồng phối hợp MTTQ cơ sở, các đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, quản lý, giám sát chặt chẽ người dân trở về từ các tỉnh, thành phố khác.
Với những trường hợp về từ TP.HCM và các vùng dịch khác, chính quyền địa phương thông báo trên phương tiện truyền thanh cơ sở, ghi rõ thông tin, danh sách, ngày về địa phương để người dân cùng chính quyền giám sát chặt chẽ việc di biến động, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm từ các vùng dịch khác về, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Sở Y tế chỉ đạo tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ các trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm như ho, sốt, khó thở. TP yêu cầu củng cố, mở rộng khoa Hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh nặng. Đào tạo, thiết lập nhiều đội, nhóm có đủ năng lực hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu để sẵn sàng đào tạo, hỗ trợ cho các bệnh viện khác trên địa bàn.
Các đơn vị chủ động sẵn sàng chuẩn bị phương án, nguồn lực, trang thiết bị y tế, danh mục thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ và công tác kiểm soát lây nhiễm, điều trị người bệnh Covid-19 nặng. Đặc biệt chú ý hệ thống khí nén, oxy trung tâm, máy thở …để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát.
Các bệnh viện khẩn trương rà soát năng lực xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và điều kiện an toàn sinh học cấp II để hỗ trợ kịp thời xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. Quận, huyện, thị xã, tham mưu, báo cáo UBND TP chỉ đạo triển khai phương án đáp ứng cách ly cho 30.000 và 50.000 người, ưu tiên tổ chức tại các khu vực ngoại thành.
Hà Nội yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và TP; chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết; khi ho, sốt, khó thở,…chủ động liên hệ ngay với cơ sở y tế tại địa phương để được lấy mẫu, xét nghiệm, sàng lọc trong thời gian sớm nhất.
Theo văn bản này, UBND Hà Nội đánh giá TP đã triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19, bước đầu đã khống chế, kiểm soát một số chùm ca bệnh mới phát sinh. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận nhỏ người dân chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tồn tại tình trạng tập trung đông người tại một số nơi, hàng ngày vẫn có hàng nghìn người từ các địa phương khác trở về TP mang theo nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Cùng với đó, Hà Nội phát hiện một số ca nhiễm tại cơ sở dược phẩm và ca nhiễm được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc người có biểu hiện ho, sốt, khó thở...