Sáng 21/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ghi nhận thêm 26 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2. Ca nhiễm mới chủ yếu tập trung tại các chùm ca bệnh ở quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Khu công nghiệp Thăng Long và huyện Quốc Oai.
Tổng số ca mắc trong 16 ngày qua (từ 5/7) là 265.
Nhìn nhận về diễn biến dịch trên địa bàn, ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dự báo số ca nhiễm thời gian tới tiếp tục tăng. TP xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, F0 cộng đồng chưa được phát hiện.
"Thời gian tới, tình hình dịch trên địa bàn có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn. Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với số ca mắc lớn", ông Cương nói tại buổi họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội ngày 20/7.
Làm sạch ở trong, khóa chặt bên ngoài
Ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc phụ trách CDC Hà Nội, cho biết nhiệm vụ hàng đầu hiện nay với ngành y tế TP là xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm nguy cơ, kèm với theo sát di biến động của người dân để ứng phó.
Theo đó, TP sẽ tập trung xét nghiệm ở khu vực nguy cơ như khu công nghiệp, nhà máy, khu dân cư có yếu tố dịch tễ. TP đề nghị người có triệu chứng ho, sốt, đau họng, mất vị giác liên hệ ngay cơ quan y tế để được xét nghiệm. Bên cạnh đó, ngành y tế áp dụng triệt để quy trình xét nghiệm 3 lần trong 14 ngày cách ly với người đến từ TP.HCM và vùng dịch khác.
Hà Nội xét nghiệm 3 lần toàn bộ người đến từ TP.HCM trong 14 ngày cách ly tại nhà. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Theo ông Việt, việc này đáp ứng 2 mục tiêu. Thứ nhất, làm sạch yếu tố dịch tễ tại ổ dịch hiện hữu trong cộng đồng. Thứ hai, chủ động phát hiện sớm, khoanh vùng F0, chùm ca bệnh ẩn khuất. Với 5/9 chùm ca bệnh hiện nay chưa xác định được nguồn lây, khả năng còn F0 chưa phát hiện trong cộng đồng tương đối cao.
Và cách làm này của Hà Nội đang cho thấy hiệu quả. Trong khoảng 2 tuần qua, CDC Hà Nội phát hiện một số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thông qua xét nghiệm người có biểu hiện bệnh. Hầu hết đều đến từ ổ dịch Bắc Ninh, Bắc Giang mà một số chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây.
Cùng với phương án khoanh vùng, xử lý 9 chùm ca bệnh hiện hữu, Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập từ các địa phương. Theo đó, TP đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát cả đường hàng không và đường bộ.
Với người đến Hà Nội bằng máy bay, họ được yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 tối đa 3 ngày mới được lên máy bay và bắt buộc cách ly tại nhà nếu đến từ vùng đang có dịch trong 14 ngày và phải tiếp tục có 3 lần xét nghiệm âm tính.
Với đường bộ, Hà Nội tổ chức 22 chốt chặn đối với phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa. Người đi qua phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt và xét nghiệm SARS-CoV-2 theo yêu cầu của cơ quan chức năng nếu cần thiết. TP cũng ứng dụng "luồng xanh quốc gia" đối với phương tiện chỉ đi qua, không dừng ở Hà Nội để hạn chế ùn ứ.
Vai trò của Công điện 15
Trao đổi với Zing, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội Khóa XV, cho rằng Hà Nội áp dụng Công điện 15 vào thời điểm này là quyết định mang tính chiến lược. Theo ông, Công điện 15 có nội dung giống như một chỉ thị về giãn cách xã hội, nhưng lại mang tính linh hoạt và nêu cao tinh thần tự giác của người dân.
TP đã cấm toàn bộ cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu như quán bar, karaoke, massage, phòng tập gym... chỉ để lại duy nhất hàng quán ăn được phép bán mang về. Tức là, TP cố gắng hạn chế người dân tụ tập, nhưng vẫn tạo điều kiện để người dân duy trì cuộc sống tương đối ổn định.
GT.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng Công điện 15 nêu cao tinh thần tự giác của người dân. Ảnh minh họa: Đức Anh. |
Ông cũng nhấn mạnh thời điểm hiện nay là cơ hội để Hà Nội "ra đòn", xử lý quyết liệt, ngăn chặn ổ dịch bùng phát. Bởi nếu để muộn hơn, nguy cơ rất khó lường.
"Ra tay trước để chặn ngay, không để dịch len lỏi trong cộng đồng. Và giãn cách là biện pháp hữu hiệu được chứng minh trong nhiều đợt dịch vừa qua", ông Trí nói.
TP quy định rất chi tiết, cụ thể từng công việc, hoạt động. Cái nào cấm, cái nào hạn chế, cái nào cho phép. Cơ quan, công sở, doanh nghiệp được yêu cầu làm việc với 50% nhân sự trên cơ quan, còn lại làm việc online. Đây vừa là yêu cầu, vừa là chỉ dẫn của TP để người dân có thể yên tâm sản xuất mà vẫn đảm bảo an toàn chống dịch.
Ông cũng nhấn mạnh Công điện 15 thể hiện sự tin tưởng của TP vào tính tự giác của người dân và sự mềm dẻo trong quy định hạn chế. Không cần áp dụng cứng nhắc Chỉ thị 15 hay 16 nhưng vẫn có thể đảm bảo nội dung giãn cách, thông điệp 5K để hướng tới "mục tiêu kép" - vừa chống dịch vừa sản xuất.
"Công điện 15 đặt ra cho mỗi người dân câu hỏi là hôm nay tôi có nhất thiết phải đi ra đường không? Tôi cũng tự hỏi câu này mỗi sáng có cần thiết phải đến cơ quan không? Mình làm việc ở nhà có đáp ứng được yêu cầu không, nếu có tôi sẽ ở nhà", ông Trí chia sẻ.
Tại đợt dịch thứ 4(từ 29/4), CDC Hà Nội đã ghi nhận 534 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, tính riêng từ ngày 5/7 đến sáng 21/7, số người nhiễm nCoV tại Hà Nội là 265 trường hợp.
Ngày 18/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện 15 yêu cầu người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, không tụ tập quá 5 người nơi công cộng. TP dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Chỉ nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Cơ quan, công sở, làm việc 50% trực tuyến, chia ca.
Bình luận