Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội liên quan đến đề xuất của tập đoàn Poma làm cáp treo vượt sông Hồng. Theo Poma, hệ thống cáp treo này sẽ phục vụ vận tải công cộng, giảm ùn tắc giao thông.
Sau khi nghiên cứu, Sở GTVT Hà Nội khẳng định việc đầu tư dự án trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp. Theo các đồ án quy hoạch như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt và Quy hoạch các phân khu đô thị gần khu vực nghiên cứu cũng như quy hoạch vận tải hành khách công cộng đều không đề cập đến loại hình vận tải hành khách công cộng bằng cáp treo.
Sở GTVT khẳng định, việc đầu tư dự án cáp treo do tập đoàn Poma đề xuất trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp.
Cáp treo vượt sông Hồng không phù hợp. Đồ họa: Hữu Nhân. |
Trước đó, ngày 8/6, tại buổi làm việc với Sở GTVT Hà Nội, Poma đề xuất đầu tư tuyến cáp treo từ Bến Nứa (Bến xe Long Biên) tới Bến xe Gia Lâm bằng đường cáp treo vượt qua sông Hồng. Hệ thống cáp treo chạy dọc cầu Long Biên. Chiều cao của cột trụ nâng cáp từ 50-100 m. Năng lực vận chuyển của hệ thống là 25 đến 30 khách/cabin.
Poma khẳng định cáp treo là giải pháp bổ sung cho vận tải công cộng ở khu vực này. Tập đoàn Poma tính toán chiều dài tuyến vượt sông Hồng khoảng hơn 5 km. Dự kiến có 3 nhà chờ khác nhau, suất đầu tư khoảng 10 đến 15 triệu Euro/1 km. Thời gian thi công từ 18-24 tháng.
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Từ Sỹ Sùa (ĐH Giao thông Vận tải) cho rằng cáp treo được thiết kế vận chuyển tối đa 7.000 hành khách/giờ, con số này chỉ bằng khoảng 2-3 phút lượng các phương tiện đi qua cầu Long Biên, Chương Dương. Hơn nữa, với hệ thống xe buýt với lộ trình dài hơn, len lỏi vào tuyến phố, người dân chắc chắn không đi cáp treo.
Ông Sùa nhấn mạnh Hà Nội nên suy tính kỹ càng. Đừng để dự án gây lãng phí và trở thành gánh nặng của thủ đô.