Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia phản bác ý tưởng cáp treo 1.300 tỷ vượt sông Hồng

Nhiều chuyên gia giao thông khẳng định ý tưởng làm cáp treo vượt sông Hồng để giảm ùn tắc là không khả thi và không cần thiết.

Ý tưởng cáp treo vượt sông Hồng như thế nào? Tuyến cáp treo dài hơn 5 km dự kiến có năng lực vận chuyển 7.000 khách/giờ. Tập đoàn nước ngoài kỳ vọng công trình sẽ giảm ùn tắc giao thông Hà Nội.

Hà Nội vừa nhận được đề xuất của Tập đoàn Poma về xây dựng cáp treo vượt sông Hồng giảm ùn tắc giao thông. Theo đó, tuyến cáp treo này dài hơn 5 km nối quận Hoàn Kiếm và huyện Gia Lâm.

Theo PGS.TS Từ Sỹ Sùa (ĐH Giao thông Vận tải), các ý tưởng để chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội đều rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thủ đô cần hạn chế những phương án manh mún mà nên tập trung vào giải pháp mang tính căn cơ.

'Chưa nước nào dùng cáp treo giảm ùn tắc'

Đánh giá về ý tưởng này, PGS.TS Từ Sỹ Sùa khẳng định nó sẽ thất bại cả về kinh tế và ý nghĩa xã hội. “Cáp treo di chuyển trong thành phố thì nhiều nước đã thực hiện. Nhưng cáp treo được coi là phương tiện công cộng thì tôi chưa thấy quốc gia nào làm cả. Hiệu quả của nó không cao”, ông Sùa nói.

Cap treo vuot song Hong anh 1
Cáp treo vượt sông Hồng ở Hà Nội có năng lực vận chuyển chỉ khoảng 7.000 hành khách/giờ. Đồ họa: Hữu Nhân.

Vị này phân tích tuyến cáp treo vượt sông Hồng cần căn cứ hai yếu tố: Hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Về hiệu quả kinh tế chắc chắn khó khả thi bởi tuyến cáp dài đến 5 km. Từ thiết kế đến vận hành, mua sắm trang thiết bị, giải phóng mặt bằng rất tốn kém.

Cách khoảng 100 m, đơn vị thi công phải làm một cột trụ để giữ cáp. Hơn nữa, mặt bằng tại hai điểm trạm trung chuyển xe buýt Long Biên và bến xe Gia Lâm phải đủ lớn để có thể làm nhà ga hành khách.

“Tôi đặt câu hỏi Hà Nội có trợ giá vé cho tuyến cáp treo này? Mỗi lần vận hành giá vé 80.000 đến 100.000 đồng liệu người dân có chịu được. Nếu trợ giá thì Hà Nội sẽ phải bù lỗ bao nhiêu tiền? Hiện nay chỉ 6 tháng, Hà Nội đã trợ giá cho các tuyến buýt 500 tỷ đồng rồi”, ông Sùa phân tích.

Chưa nước nào làm cáp treo để giảm ùn tắc. Năng lực vận chuyển cáp treo không thấm vào đâu so với giao thông Hà Nội

PGS.TS Từ Sỹ Sùa

Ông Sùa nói rằng khi tuyến này đi vào hoạt động, chỉ thời gian đầu người dân tò mò, “cắn răng” mua vé đi thử để ngắm cảnh. Thời gian sau chắc chắn ế khách. Hơn nữa, chi phí bảo trì thường xuyên rất lớn.

Về hiệu quả xã hội, ông đánh giá ý tưởng này sẽ thất bại. Năng lực vận chuyển của tuyến cáp treo không thấm vào đâu so với lưu lượng giao thông của Hà Nội.

Cap treo vuot song Hong anh 2
Mục tiêu của hệ thống cáp treo sẽ giảm tải cho Cầu Long Biên và Chương Dương. Ảnh: Hoàng Hà.

Cáp treo được thiết kế vận chuyển tối đa 7.000 hành khách/giờ, con số này chỉ bằng khoảng 2-3 phút lượng các phương tiện đi qua cầu Long Biên, Chương Dương. Hơn nữa, với hệ thống xe buýt với lộ trình dài hơn, len lỏi vào tuyến phố, người dân chắc chắn chẳng dại gì đi cáp treo.

“Hà Nội nên suy tính kỹ càng. Đừng để dự án gây lãng phí và trở thành gánh nặng của thủ đô. Hiệu quả ra sao thì chắc có lẽ ai cũng nhìn thấy rồi”, PGS.TS Từ Sỹ Sùa nói.

Không cần thiết

Trả lời Zing.vn, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), cho rằng thành phố đã quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1 từ Yên Viên đến Ngọc Hồi. Tuyến này có hướng đi trùng với cáp treo. Khi tuyến đường sắt số 1 vận hành, thời gian di chuyển ổn định và nhanh hơn rất nhiều so với cáp treo.

Người dân có đồng thuận khi cabin nặng hàng tấn, chở 20-30 người lơ lửng trên đầu

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy

“Chúng ta có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng, nhiều chuyến buýt và cả đường sắt đô thị chạy trên hành lang đó. Vậy cần phải suy tính có nên làm cáp treo”, ông Hải nói.

Ngoài ra, ông Hải lưu ý việc xây dựng tuyến cáp phải quan tâm đến việc có ảnh hưởng đến cảnh quan Hà Nội khi nó đi trên cầu Long Biên, một di tích lịch sử của Thủ đô.

Cap treo vuot song Hong anh 3
Tuyến cáp treo vượt qua sông Hồng và đi trên đầu nhiều nhà dân. Đồ họa: Hữu Nhân.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy thì nói rằng chưa nước nào trên thế giới làm cáp treo ở trong nội đô bởi rất tốn kém mà hiệu quả không cao. Praha - Thủ đô của Cộng hòa Séc nằm trên đỉnh núi cũng không làm cáp treo để đi lại vì không có tính khả thi.

Thông thường, người ta chỉ làm cáp treo nơi có địa hình hiểm trở, hoặc đi trên núi, qua biển phục vụ du lịch. Khi đi tham quan, du lịch, người dân mới sẵn sàng trả phí cao để đi cáp treo còn việc dùng để di chuyển hàng ngày, đi làm là điều khó có thể xảy ra.

Ông Thủy lo ngại vấn đề an toàn và sự đồng thuận của người dân khi cáp treo di chuyển trên các tòa nhà. Người dân có đồng ý cho những cabin nặng cả tấn, chở 20-30 người treo lơ lửng trên đầu, đặc biệt là khi mưa bão?

Ngoài ra, khu vực điểm cuối còn có sân bay quân sự Gia Lâm nên để xây dựng được ở đây cần phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng.

Trước đề xuất của Tập đoàn Poma, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết đơn vị này đã làm nhiều tuyến cáp treo ở Việt Nam. Sở GTVT ghi nhận ý tưởng, đang nghiên cứu, xem xét tất cả nội dung để báo cáo thành phố xin ý kiến.

Theo đề xuất của Poma, tuyến cáp treo chiều dài hơn 5 km. Điểm đầu tư trạm xe buýt Long Biên đến bến xe Gia Lâm. Dự kiến, tổng mức đầu tư của tuyến cáp chở khách tại Hà Nội khoảng 1.300 tỷ đồng.

Cáp treo di chuyển qua sông Hồng và đi trên các tòa nhà, chiều cao của cột trụ nâng cáp từ 50-100 m. Năng lực vận chuyển của hệ thống là 25 đến 30 khách/cabin, tương đương 7.000 khách/giờ.

Hà Nội sẽ đục thông 6 vòm cầu trăm tuổi vào tháng 9

UBND Hà Nội cho biết sẽ thí điểm đục thông 6/131 vòm cầu đường sắt trên phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) vào tháng 9.


Văn Chương

Bạn có thể quan tâm