Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Lan 2014: Chuyện về những đôi cánh

Lối đá tấn công tổng lực của Hà Lan chẳng khác nào đôi cánh sáp của chàng Icarus, quá đẹp đẽ và kỳ diệu - nhưng chẳng bao giờ đưa được chàng vươn lên đỉnh cao bầu trời.

Những ai từng đọc qua thần thoại Hy Lạp hẳn còn nhớ câu chuyện kỳ diệu về đôi cánh Icarus. Chuyện kể rằng: để thoát khỏi mê cung của vua Minos, kỹ sư Dedalus và con trai Icarus đã lấy sáp ong ghép những lông chim tạo thành đôi cánh rồi bay ra khỏi ngục tù giam cầm mình. Thế nhưng Icarus, vì quên lời cha dặn, đã bay lên quá cao, quá gần mặt trời khiến cho đôi cánh sáp đẹp đẽ của chàng bị nung chảy, và chàng rơi thẳng xuống biển mà chết.

Từ thời đó đến năm 1903, con người vẫn chưa thôi ám ảnh về đôi cánh sáp ong tuyệt đẹp của Icarus bay lượn trên bầu trời. Nhưng đến một ngày cỗ máy thô kệch của anh em nhà Wright trở thành thứ có cánh đầu tiên bay được khỏi mặt đất, người ta mới bắt đầu mơ về một huyền thoại mới, về những đôi cánh máy móc tưởng như xấu xí kia.

Tôi muốn kể cho bạn một thần thoại khác, cũng đẹp, cũng kỳ diệu mà buồn không kém thần thoại về đôi cánh Icarus, đó là huyền thoại về Cơn lốc màu da cam.

“Cơn lốc màu da cam” – biệt danh của đội tuyển quốc gia Hà Lan đã diễn tả chính xác lối chơi lối đá tấn công tổng lực đầy quả cảm của họ. Tấn công, tấn công như vũ bão, quét sạch mọi thứ trên đường đi của nó, đó mới là Hà Lan, là cơn lốc màu da cam. Nhưng “cơn lốc màu da cam” ba lần lọt vào chung kết World Cup, cả ba lần họ đều là kẻ chiến bại. Người hâm mộ Hà Lan cứ mãi đau đáu về huyền thoại bóng đá tấn công tổng lực, thứ bóng đá đẹp đẽ và cống hiến nhất từng xuất hiện trên thế giới, nhưng nó chẳng khác nào đôi cánh sáp của chàng Icarus, quá đẹp đẽ và kỳ diệu - nhưng chẳng bao giờ đưa được chàng vươn đến đỉnh cao bầu trời.

World Cup 2014, chẳng còn lốc nào hết, người Hà Lan bay cũng không. Đội bóng tôi yêu, Á quân của năm 2010 chỉ còn Snejder bị đem bán sang đất Thổ, Persie chấn thương liên tục ở Manchester, Kuyt mài đũng quần trên ghế dự bị, chỉ còn Robben, De Jong và Hunterlaar còn giữ được phong độ ngày nào. Họ cùng Van Gaal phải cõng một đám trẻ ở giải quốc nội Hà Lan sang Brazil tranh chấp vé vào vòng 2 với đương kim vô địch Tây Ban Nha, Chile và Australia. Người ta không dám phản đối khi thánh Cruyff cười khẩy vào khả năng tiến xa của đội hình này.

Nhưng chắc Cruyff đã phải ngạc nhiên khi đội hình chắp vá của Hà Lan 2014 đè bẹp Tây Ban Nha 5-1. Phải, chính là Tây Ban Nha ham tấn công, ham cầm bóng theo triết lý Cruyff đề ra đó. Trớ trêu thay, Hà-Lan-hay-lội-ngược-dòng-2014 đá đúng thứ bóng đá mà Cruyff ghét nhất: lối đá phòng ngự chặt phản công nhanh lỳ lợm. Cảm xúc cho bóng đá duy mỹ đã bị vứt sang một bên, người hâm mộ Hà Lan chỉ còn biết dành sự kính phục cho những kẻ gan lỳ mang sắc áo cam, kể cả khi họ không tấn công ào ạt như trước, không áp đặt được lối chơi lên bất cứ đối thủ nào. Hà Lan 2014 vẫn chưa hết quả cảm đâu, vì quả cảm đâu phải lúc nào cũng là lao lên tấn công bằng mọi giá? Bình tĩnh, vững vàng trước sức ép đối phương còn cần lòng quả cảm lớn hơn nhiều.

Lịch sử bóng đá đang bước sang trang mới, khi cái gọi là bản sắc, truyền thống của các đội tuyển quốc gia đang nhạt dần đi trước cơn lũ toàn cầu hóa bóng đá. Brazil hôm nay đá với 10 công nhân và một nghệ sỹ duy nhất. Đức không lầm lỳ, chắc chắn như trước mà lại tấn công phóng khoáng chẳng kém gì Hà Lan những năm về trước. Và ngược lại, Hà-Lan-hay-lội-ngược-dòng hôm nay ngày càng giống với hình ảnh của chính tuyển Đức ngày xưa. Người yêu mến đội bóng áo cam không trách họ, không ai có thể ôm mãi giấc mơ về đôi cánh sáp nên thơ của bóng đá tấn công tổng lực. Chúng tôi vẫn sẽ hạnh phúc nếu Hà Lan lên ngôi với lối đá chặt chẽ ngày hôm nay. Đến thời đại ngày nay để bay được, người ta biết phải cần những đôi cánh thép.

Độc giả bình chọn cho bài viết vui lòng bấm Like và Share trên Facebook Fanpage Zing.vn:  

Độc giả Thành Đạt

Bạn có thể quan tâm