Trong cuốn sách “Triết lý lãnh đạo Park Hang-seo” của tác giả Han June có một chi tiết thú vị về những bài học mà thuyền trưởng tuyển Việt Nam lĩnh hội được từ người thầy cũ Guus Hiddink. Ông Park được người hâm mộ và giới chuyên môn biết đến với hình ảnh một chiến lược gia có khả năng ứng biến tài tình. Chất “quái” trong cách huấn luyện và chỉ đạo trận đấu mà HLV Park có được chính nhờ những năm tháng làm trợ lý cho thuyền trưởng người Hà Lan ở World Cup 2002.
Trong quá trình huấn luyện đội tuyển Hàn Quốc, Guus Hiddink từng đặt cho HLV Park một câu hỏi: “Nếu cốc nước trên bàn bị đổ và nước chảy về phía mình thì phải làm thế nào?” Ông Park trả lời rằng phải lau nước đi. Tuy nhiên, đáp án của HLV Hiddink là phải nghiêng bàn để nước chảy về hướng ngược lại.
HLV Park hạnh phúc khi gặp lại thầy cũ ở một trận giao hữu năm 2019. Ảnh: Sina. |
Bằng một ví dụ đơn giản, HLV Park đã học được cách tư duy đảo chiều, thay đổi suy nghĩ để giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo hơn. Những thành công mà ông mang lại cho bóng đá Việt Nam là kết quả của một quá trình đúc kết kinh nghiệm quý báu từ những người thầy cũ và biến đổi để phù hợp với bóng đá Việt Nam.
Khi mới đảm nhận chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam cuối năm 2017, ông Park Hang-seo có nhiệm vụ cải thiện thể lực cho các cầu thủ. Đội tuyển Việt Nam trước thời HLV Park thường không có thể lực tốt vào thời điểm cuối trận, nên thông thường nếu là những HLV khác sẽ tăng cường nhồi thể lực để cầu thủ có thể chạy nhiều hơn, kéo dài thời gian thi đấu hơn.
HLV Park lại đưa ra quan điểm: “Cầu thủ Việt Nam không hề yếu, họ chỉ không có thể hình tốt mà thôi”. Thay vì chỉ chú trọng vào bài toán làm sao để cải thiện thể lực và sức bền, ông Park đã nghiên cứu lối chơi phù hợp để tối ưu khả năng phân phối sức cho đội tuyển bằng cách sử dụng những cầu thủ đa năng để đội hình luôn có đủ người khi tấn công và phòng ngự.
Bình luận viên Vũ Quang Huy từng nhận định với Zing: “Một trong những điểm sáng trong lối chơi của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park là khả năng chuyển hoá nhanh từ trạng thái phòng ngự sang phản công. Điều này giúp các cầu thủ phân phối thể lực đều hơn trong một trận đấu”.
Một ví dụ khác về tư duy đảo chiều của HLV Park là cách thức nhập cuộc với các đối thủ. Thông thường khi gặp đội bóng mạnh, các đội bóng bị đánh giá thấp hơn sẽ chọn cách chơi an toàn, cầu thủ không dâng cao và tập trung số đông ở giữa sân. Tuy nhiên dưới thời ông Park, các đội tuyển Việt Nam lại chủ động nhập cuộc bằng thế trận tấn công khi đối đầu với những đội bóng mạnh hơn.
Có không ít lần đội tuyển thu được thành quả ngoài mong đợi từ cách nhập cuộc này. Các trận gặp Olympic Nhật Bản tại ASIAD 2018 hay trận gặp Iraq ở vòng bảng Asian Cup 2019 là những ví dụ, tuyển Việt Nam luôn có bàn thắng dẫn trước.
Quan điểm của ông Park khi huấn luyện các cầu thủ Việt Nam là không cố nhào nặn các học trò thành cầu thủ như ý muốn của mình mà thay vào đó, ông giúp họ phát huy tối đa thế mạnh và hạn chế những điểm yếu. Đây cũng là điều mà người thầy cũ Guus Hiddink từng rất thành công với tuyển Hàn Quốc năm 2002.