"Chúng tôi rất tiếc vì bất cứ hiểu lầm nào có thể xảy ra và chân thành xin lỗi cho bất cứ ai mà chúng tôi có thể đã xúc phạm", SCMP dẫn tuyên bố của hãng thời trang Italy ngày 6/5.
Theo công ty này, những lá thư là một phần trong nỗ lực bảo vệ thương hiệu toàn cầu. Họ thừa nhận rằng các cửa hàng bán vàng mã không có ý định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hãng này cam kết không theo đuổi các hoạt động pháp lý liên quan đến sự việc.
Charlotte Judet, người phát ngôn của công ty mẹ Kering, cho biết họ không nhận được khiếu nại về việc đã xúc phạm phong tục truyền thống của Trung Quốc mà tự chủ động lên tiếng. Bà khẳng định Gucci đã có cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các chủ cửa hàng và nhận các phản hồi từ họ.
Những món đồ vàng mã bằng giấy được đốt vào tang lễ hay dịp Tết thanh minh ở Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Đồ vàng mã thường được đốt vào ngày tang lễ như món quà gửi theo người đã khuất ở thế giới bên kia. Ngày nay, chúng được làm theo nhiều chủng loại và hình thức khác nhau, từ tiền đến điện thoại và cả ôtô. Những đồ vật này cũng đốt vào các dịp như Tết thanh minh.
"Đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp này. Tôi nghĩ rằng họ có lý do để làm việc đó. Nhưng không tố cáo chúng tôi thì tốt hơn", ông Tai Wai-man, một chủ cửa hàng đã bán vàng mã 30 năm, cho biết.
Vào thời điểm lá thư được gửi đến, cửa hàng của ông có các món đồ theo thiết kế Gucci. Ông đã nhanh chóng bán hết sau khi nghe tin về vụ tranh cãi.
Một chủ cửa hàng khác cảm thấy bằng lòng khi Gucci xin lỗi, dù cô không nhận được bức thư cảnh báo nào. Cửa hàng của cô hiện không bán những món đồ "xa xỉ" này nhưng có thể bán trong tương lai.
"Mọi người đều bán những thứ này. Các món đồ giấy Gucci đã được bán khoảng hai, ba năm nay", cô cho biết.
Thông thường, túi giấy Gucci có giá từ 1,3 đến 2,6 USD, giày có giá hơn 6 USD. Nhu cầu mua "đồ thiết kế" cũng giống như nhiều mặt hàng khác.