Trong cuộc điều tra rúng động do Guardian thực hiện, hàng chục nhân viên và cựu nhân viên của Liên Hợp Quốc bức xúc nói về thứ văn hóa im lặng trong toàn tổ chức và một hệ thống pháp lý tệ hại gây khó dễ cho các nạn nhân trong việc khiếu kiện.
Trong số các nhân viên được phỏng vấn, 15 người nói họ từng bị tấn công và quấy rối tình dục trong vòng 5 năm qua, với nhiều mức độ từ lời nói tới hành vi cưỡng hiếp.
7 phụ nữ chính thức tố cáo các hành vi sai trái, đây là cách thức mà theo các nhà hoạt động, ít nạn nhân dám thực hiện vì lo sợ mất việc, hoặc vì nghĩ làm như vậy sẽ không có tác dụng.
Những lo sợ và uất ức "không thể nói ra"
"Nếu bạn khai báo, sự nghiệp của bạn chấm hết, đặc biệt khi bạn là chuyên gia tư vấn", một nhà tư vấn trong Liên Hợp Quốc cho biết. Cô nói mình bị cấp trên quấy rối khi làm việc cho Chương trình Lương thực Thế giới. "Đó giống như một chuyện không thể nói ra".
Liên Hợp Quốc thừa nhận tình trạng các vụ việc không được báo cáo là một mối quan ngại, nhưng cho hay Tổng thư ký António Guterres "ưu tiên giải quyết vấn nạn quấy rối tình dục và ủng hộ chính sách không khoan nhượng".
Một phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại trụ sở ở New York. Ảnh: Shutterstock. |
Trong cuộc điều tra của Guardian, nhân viên Liên Hợp Quốc làm việc tại hơn 10 quốc gia đã cung cấp thông tin với điều kiện giấu tên, một phần vì họ không được phép công khai theo các quy định quản lý nhân viên của Liên Hợp Quốc, một phần vì họ sợ bị trả đũa.
3 phụ nữ từ các văn phòng khác nhau cho biết vì báo cáo về quấy rối và tấn công tình dục mà họ bị buộc phải nghỉ việc hoặc bị dọa chấm dứt hợp đồng trong năm qua. Những người bị tố cáo, trong đó có một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc, thì vẫn ở nguyên vị trí.
Một người nói cô bị nhân viên cấp cao hơn trong Liên Hợp Quốc cưỡng hiếp khi công tác ở vùng xa. "Chẳng còn cách nào khác để có được công lý, và tôi đã mất việc".
Cô nói rằng bất chấp các bằng chứng y khoa và lời khai của nhân chứng, cuộc điều tra nội bộ của Liên Hợp Quốc vẫn không ủng hộ cáo buộc của cô. Không chỉ mất việc, cô còn mất visa và trải qua nhiều tháng ở bệnh viện trong tình trạng stress và chấn thương tâm lý. Cô lo sợ sẽ bị bức hại nếu quay trở về quê nhà.
Hệ thống pháp lý tồi tệ
Theo các tài liệu nội bộ mà Guardian có cơ hội tiếp cận, hai trong số các phụ nữ đã bày tỏ quan ngại về những cuộc điều tra. Họ cho rằng nhóm điều tra của Liên Hợp Quốc, Văn phòng Giám sát nội bộ (OIOS), đã không phỏng vấn các nhân chứng quan trọng. Họ cũng nói những bản lời khai mắc sai sót và thông tin từ các cuộc điều tra bị rò rỉ. Những kẻ có hành vi sai trái thì vẫn yên vị, quyền hành giúp họ tác động đến quá trình điều tra, tố tụng.
Theo lời một phụ nữ bị tấn công tình dục khi làm việc cho Liên Hợp Quốc, thanh tra cơ quan nói rằng ông không thể làm gì hơn để giúp cô khiếu kiện, vì ông bị một nhân viên cấp cao khác gây áp lực. 7 nạn nhân khác cũng cho biết đồng nghiệp hay thanh tra viên đều khuyên họ không nên khiếu nại.
4 nhân viên khác của Liên Hợp Quốc nói rằng họ không được chăm sóc y tế hay tư vấn đầy đủ. Một phụ nữ mất việc nói rằng cô đã phải gặp 3 bác sĩ phụ khoa trong vòng 24 giờ sau khi bị tấn công, vì nhóm y tế đầu tiên từ Liên Hợp Quốc không đủ chuyên môn để giải quyết trường hợp này. Cô nói cô cũng không được tư vấn về vấn đề khủng hoảng do bị hãm hiếp cho tới 6 tuần sau.
"Tôi rơi vào bất ổn, thay đổi thất thường giữa trạng thái biết rõ, biết chính xác mình phải làm gì và những lúc khủng hoảng trầm trọng chỉ biết khào góc", cô nói.
Các nữ nhân viên làm việc trong Liên Hợp Quốc bị chính người của tổ chức quấy rối hay tấn công tình dục nhưng không dám lên tiếng vì nhiều mối lo ngại, như mất việc hay bị trả đũa. Ảnh minh họa: Getty. |
Luật sư từng tham gia những vụ việc tương tự cho biết một nạn nhân có "số lượng bằng chứng đáng kể" nhưng cho tới nay vẫn bị "làm lơ" bởi hệ thống Liên Hợp Quốc.
Tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới từ lâu bị chỉ trích vì không xử lý được các vụ lạm dụng tình dục của lực lượng gìn giữ hòa bình đối với người dân địa phương, nhất là ở Cộng hòa Trung Phi và Haiti.
Những vụ việc trong Liên Hợp Quốc hay liên quan đến dân địa phương rất khó kiện vì tính chất quốc tế của nó. Nhiều nhân viên cấp cao có quyền miễn trừ ngoại giao, đồng nghĩa rằng họ có thể né được các tòa án quốc gia. Các nhà hoạt động cho hay quyền miễn trừ này đã khiến cho nạn nhân chỉ còn cách im lặng.
Thậm chí nếu nhân viên Liên Hợp Quốc không được hưởng quyền miễn trừ, thì các sự vụ cũng thường xảy ra ở những quốc gia có hệ thống tư pháp yếu kém.
Trong trường hợp nạn nhân là nhân viên của Liên Hợp Quốc, họ có nhiều ràng buộc với tổ chức, không chỉ về công ăn việc làm mà còn là các lợi ích khác như được cấp thị thực lao động, học phí cho con. Nhiều nạn nhân và nhân chứng không dám lên tiếng còn vì sợ bị trả đũa. Một số cơ quan chỉ cho phép khiếu nại trong vòng 6 tháng.
Văn hóa làm thinh và niềm tin bị đánh mất
"Văn hóa làm thinh giờ đây lan tràn khắp Liên Hợp Quốc, chỉ bởi vì những đặc quyền không có ở Hollywood hay trong ngành công nghệ", Paula Donovan, người đứng đầu chiến dịch Code Blue và Aids-Free World nhằm mục tiêu loại bỏ quyền miễn trừ cho tội lạm dụng tình dục của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, cho biết.
Theo luật sư Alex Haines, hệ thống pháp lý nội bộ của Liên Hợp Quốc thường bất lực trong việc bảo vệ nạn nhân trong trường hợp xảy ra xung đột lợi ích.
Một nữ nhân viên cứu trợ Liên Hợp Quốc từng bị đồng nghiệp cấp cao hơn quấy rối giãi bày rằng cô không mấy kỳ vọng vào công lý. "Ngay cả khi lấy hết can đảm để khiếu nại và vận dụng tất cả các cơ chế nội bộ, nguồn lực, các thủ tục pháp lý như tôi đã từng làm, thì bạn vẫn sẽ không được gì hết", người phụ nữ nói.
Văn hóa làm thinh giờ đây lan tràn khắp Liên Hợp Quốc, chỉ bởi vì những đặc quyền không có ở Hollywood hay trong ngành công nghệ
Paula Donovan
"Họ huy động bạn bè, đồng nghiệp chống lại bạn. Tôi phải nhận những lời đe dọa thông qua bạn bè, rằng tôi sẽ 'không bao giờ được bước chân vào văn phòng nữa'", nữ nhân viên bức xúc giãi bày.
Peter Gallo, người từng là thanh tra viên thuộc OIOS sau đó rời khỏi Liên Hợp Quốc năm 2015, cho biết ông chứng kiến những bằng chứng thường bị bỏ qua và sự thật bị làm méo mó. "Là một điều tra viên nhưng tôi lại được khuyên 'không bao giờ nên đặt câu hỏi chỉ để thỏa mãn trí tò mò'", ông nói. "Quy tắc duy nhất là không bao giờ được công khai làm mất mặt tổ chức".
Lá cờ Liên Hợp Quốc tại trụ sở ở New York. Ảnh: Stock Photo. |
Một phụ nữ làm việc cho phái đoàn gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Trung Đông bày tỏ lo sợ tình trạng này đang ngày càng tồi tệ hơn. Bà khiếu kiện hơn 10 năm trước và kết quả là thủ phạm đã bị kỷ luật. Song bà lo ngại rằng hiện nay điều tương tự khó xảy ra.
"Tôi hết sức khuyến khích mọi người hãy kiện. Nếu bạn sẵn sàng nếm trải cả địa ngục, hãy chiến đấu vì nó", bà nói. "Thật tồi tệ khi đây lại là một tổ chức có nghĩa vụ đứng lên vì quyền của con người... Chúng ta là những kẻ đạo đức giả".