Những kẻ buôn người sử dụng các trang web chính phủ để truy cập thông tin của nữ tù nhân, bao gồm ảnh nhận dạng, ngày ra tù, hồ sơ tội danh và số tiền bảo lãnh. Từ đó, những tên này xác định nạn nhân tiềm năng ngay từ khi họ còn đang bị giam.
Trong quá trình điều tra, Guardian phát hiện nhiều vụ ma cô lợi dụng chế độ bảo lãnh tại ít nhất 5 bang là Florida, Texas, Ohio, North Carolina và Mississippi. Sau khi được đưa ra ngoài, phụ nữ bị dọa phải làm việc trong các đường dây mại dâm, nếu không, tiền bảo lãnh sẽ bị hủy và họ phải quay về trại giam.
Cách thức phụ nữ trong tù tại Mỹ bị ép vào đường dây mại dâm. Đồ họa: Guardian. |
Không có lựa chọn
“Bọn buôn người dùng tiền bảo lãnh để kiểm soát và trói buộc chúng tôi”, một người may mắn thoát khỏi đường dây mại dâm tại Tampa, Florida, cho biết. Theo lời kể, nếu cô không kiếm đủ tiền, kẻ buôn người sẽ nhốt cô trong nhà và đánh đập.
Diana Checchio, cựu công tố viên tại Orlando, Florida, nhận định hệ thống bảo lãnh luôn bị những kẻ buôn người lợi dụng. Trong số những vụ buôn người bà thụ lý năm 2016, 80% có liên quan đến việc bên bảo lãnh tiết lộ trái phép thông tin của các phụ nữ phạm tội mại dâm.
“Nhiều lúc, họ được thả mà không hiểu vì sao và ai bảo lãnh. Họ cũng không biết mình vừa dính vào việc gì”, Checchio nói.
“Họ bước ra khỏi nhà giam, thấy một người đang chờ và nói rằng ‘tôi đã đóng tiền bảo lãnh và giờ tôi sở hữu cô’. Hắn sẽ đe dọa hủy số tiền đó nếu cô gái không làm theo những gì hắn yêu cầu”.
Theo bà, tình trạng này xảy ra tại tất cả các bang đăng tải hồ sơ tội phạm trên mạng.
Nicole Bell, người sáng lập tổ chức chống buôn người Lift. Ảnh: Guardian. |
Những kẻ buôn người sử dụng mạng lưới quan hệ trong các tù giam trên khắp đất nước để làm thân với các phụ nữ. Khi xác định được đối tượng, chúng gửi thư, gọi điện thoại và hứa cho tiền, nhà khi họ được thả. Tài khoản ngân hàng trong tù cũng được sử dụng để gửi tiền cho nạn nhân. Số tiền này trở thành một phần món nợ ma cô lợi dụng để ép họ vào con đường mại dâm.
“Khi tôi ở trong tù, tôi biết một số ma cô và cả những người đàn ông tôi chưa từng gặp. Họ viết thư cố gắng thuyết phục tôi về nhà cùng họ”, Amy Williams (tên nhân vật đã được thay đổi) nói. Cô từng bị giam 15 năm tại Ohio.
“Một số người trong chúng tôi biết đang dính vào việc gì nhưng chúng tôi cảm thấy không còn lựa chọn nào khác. Rồi chúng vẫn sẽ đợi ngày chúng tôi được thả. Tôi quen vài cô gái khác không hề biết mình sẽ bị những tên ma cô cho 'đứng đường'”, Williams chia sẻ.
Kẻ đi săn và con mồi
Trong quá trình điều tra, Guardian thu thập lời khai từ nhiều người, gồm hơn 20 người may mắn trốn thoát khỏi bọn buôn người tại 11 bang, cai ngục, những người phạm tội mại dâm từng bị kết án, quan chức hành pháp và công tố viên. Tất cả đều làm chứng rằng những kẻ buôn người đang coi nhà tù như “thị trường tuyển dụng”.
Nicole Bell, người sáng lập tổ chức chống buôn người Cùng sống trong tự do (Lift) tại Massachusetts, cũng từng là nạn nhân. Bà cho hay "những kẻ săn mồi" bành trướng nhờ sự cô lập và tổn thương tâm lý mà các tù nhân phải chịu.
“Ngục tù là nơi hoàn hảo cho những kẻ đi săn vì ở đó, phụ nữ bị giam, không có nơi để đi, cũng không có bất kỳ sự hỗ trợ nào khi họ được thả”, Bell nói. “Giờ bọn buôn người đã biết cách hệ thống vận hành, những nơi này trở thành bể cá khổng lồ cho chúng”.
Marian Hatcher, nhà hoạt động chống nạn buôn người. Ảnh: Handout. |
Hiện nay, các nhà tù, trại giam tại Mỹ giám sát 1,2 triệu nữ tù nhân, số lượng lớn nhất từ trước đến nay tại nước này. Theo các nhà vận động xã hội, giám ngục cần ưu tiên an toàn cho các tù nhân, đảm bảo toàn thể cán bộ nhân viên hiểu rõ nguy cơ của nhà tù trước nạn buôn người.
“Nhà tù có nghĩa vụ pháp lý bảo vệ tù nhân”, Marian Hatcher, nhà hoạt động chống nạn buôn người tại văn phòng cảnh sát hạt Cook, Chicago, cho biết. Theo bà, nếu người tù trở thành "con mồi" ngay trong khi đang bị giam thì tức là chính phủ đã thất bại trong việc thực hiện bổn phận chăm sóc họ, một trong những nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương nhất.
Mại dâm có tổ chức, một trong những dạng thức buôn người tàn bạo nhất, đang tràn lan tại Mỹ. Ngành công nghiệp tình dục tại nước này lên tới 9,5 tỷ USD. Theo luật pháp liên bang Mỹ và luật pháp quốc tế, buôn người được định nghĩa là ép buộc lao động khổ sai hoặc mại dâm bằng vũ lực, lừa gạt hay cưỡng ép.
Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về các thông tin mà Guardian nêu ra.