Sáng 19/2, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Đăng Dung, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, chia sẻ thấy “rối” khi có quá nhiều văn bản luật.
Theo ông, không phải cái gì cũng làm luật. Luật ở trong cuộc sống hình thành và người ta chấp nhận chứ không phải ép từ trên xuống.
Ông Nguyễn Đăng Dung ví von làm luật giống như vá xăm xe đạp. Ảnh: H.V. |
“Tôi đã ví làm luật như vá săm xe đạp. Khi xe đi được vẫn cứ đi, đừng có chọc ra để vá. Làm luật để lợi ích nhóm, làm luật để lấy quyền của người này cho người kia là không đúng quy tắc”, ông Dung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp, cho biết luật này đã qua 3 lần sửa đổi nhưng đều cho thấy còn những bất cập như thẩm định chưa tốt, đánh giá tác động và lấy ý kiến nhân dân còn hình thức.
Về công tác phối hợp, ông Quyền cho rằng cần có sự phối hợp giữa chủ thể đi giám sát và chủ thể chịu sự giám sát.
“Nếu công tác phối hợp chuẩn bị các cuộc đi giám sát không tốt, xuống chỉ chạm chén uống rượu với nhau thôi thì không giải quyết được vấn đề gì”, ông Quyền nói.
Nhấn mạnh vai trò phản biện của MTTQ trong xây dựng luật, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp nhận định đây là cơ hội tốt để MTTQ thể chế hóa quy định về chức năng phản biện xã hội, trong đó có phản biện chính sách pháp luật, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi việc thẩm định, thẩm tra luật vẫn để lợi ích nhóm len lỏi vào.
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp. Ảnh: H.V. |
“Bộ Tư pháp thẩm định vẫn để lọt, các Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra vẫn lọt, vẫn còn có lợi ích nhóm. Thẩm định, thẩm tra rồi vẫn có những văn bản ban hành như ở trên trời”, ông Quyền nêu quan điểm.
Theo ông, trong xây dựng luật, lợi ích nhóm luôn được cài cắm rất kín và chỉ có các chuyên gia pháp luật mới có thể phát hiện được.
“Quốc hội làm chưa tốt thì phải làm cho tốt. Tất cả người ở cơ quan thẩm tra làm chưa tốt thì nghỉ đi cho người khác làm. Chưa tốt phải củng cố tổ chức lại, củng cố năng lực lại, tăng cường trách nhiệm lên để làm cho tốt”, ông Quyền góp ý.
Ngoài ra, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp đề nghị đưa vào dự luật này quy định nếu gửi tài liệu không đúng thời hạn quy định của pháp luật thì không thẩm tra và không trình Quốc hội.
Vì đây là căn bệnh trầm kha bao nhiêu năm nay, cứ chuẩn bị Quốc hội họp mới trình sang, thời gian không đủ nên tất cả quy trình thẩm tra không bảo đảm chất lượng. Thậm chí, có khi lãnh đạo Quốc hội đề nghị “làm ngày làm đêm” cho kịp.
Nguyên thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên thì cho rằng khi làm luật, đại biểu Quốc hội phải đề cao trách nhiệm trong việc lấy ý kiến của nơi bầu ra mình. Đồng thời, phải chuyển tải chính sách mới về cho cử tri, trước khi nói lên tiếng nói của mình phải nói tiếng nói của cử tri.
Theo ông Liên, nếu thấy luật trình lên chưa đạt, Quốc hội phải trả lại, giống như thi chưa đỗ thì phải về lần sau thi lại, chứ đừng đặt vấn đề trình ra lần thứ 2 rồi thì nhất định phải thông qua.