Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, người trồng lúa và cây ăn trái thường xuyên đối mặt với tình hình sâu bệnh. Người chăn nuôi thì gia súc, gia cầm gặp bệnh chết nên họ sử dụng hóa chất, kháng sinh điều trị.
Ngoài ra, nông dân còn có các "mánh khóe" làm cho cây trồng, vật nuôi của mình tăng năng suất, tăng trọng lượng. Nuôi heo thì muốn có nhiều nạc nên người chăn nuôi sử dụng các loại thuốc có chất độc hại.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang sử dụng một số loại hóa chất không rõ nguồn gốc để phun, xịt lên cây trồng. Ảnh tư liệu. |
Người làm thủy sản thì nuôi tôm, nuôi cá tự phát. Đã có công ty thủy sản, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thành lập các hợp tác xã hoặc hội những người nuôi cá để nông dân cung cấp cho họ nguyên liệu sạch. Từ đó, doanh nghiệp có thể theo dõi, hướng dẫn người dân sử dụng hóa chất, xử lý nước trong ao nuôi sao cho an toàn mà cá lại giảm bệnh.
Tuy nhiên, nhiều nông dân không tham gia các HTX hay hội mà doanh nghiệp lập ra nên nuôi tự phát ở ngoài. Khi họ không làm đúng kỹ thuật dẫn đến tôm, cá bệnh nhiều, đồng nghĩa với việc phải sử dụng hóa chất, xịt thuốc điều trị, nhất là kháng sinh để cứu cá mà ít quan tâm đến việc độc hại cho người sử dụng sản phẩm sau này.
- Thưa giáo sư, ông có thấy người dân của mình đang bị đầu độc?
- Anh đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì nơi nào cũng nghe tôm, cá chết hoặc lúa bị bệnh. Tôi thấy nông dân mình đang làm theo cảm nghĩ, theo kinh nghiệm của họ mà không tuân thủ khuyến cáo của các nhà khoa học. Nông dân tưởng họ trồng trọt với phương cách cổ truyền sẽ tạo được năng suất cao nhưng vô tình lại dẫn dụ rất nhiều sâu bệnh về đồng ruộng của mình.
Điển hình là cây lúa, nông dân trong một hợp tác xã hay nhóm sản xuất mà làm theo chuỗi giá trị 4 nhà (Nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – doanh nghiệp) thì doanh nghiệp với nhà hoa học sẽ truyền đạt cho họ quy trình VietGAP. Quy trình này giúp họ đạt năng suất rất cao, từ 6-7 tấn/vụ/ha nhưng giá thành rất thấp, chỉ 1.800-2.000 đồng/kg. Những chuỗi giá trị này đang được thực hiện nhiều ở Long An, Đồng Tháp, An Giang…
Trong khi đó, phần lớn nông dân sản xuất lúa có giá thành từ 3.500-4.000 đồng/kg. Nhà nước mà cụ thể là Bộ Tài chính với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp bàn tính thì cho phép người dân sản xuất lúa có giá thành 3.800 đồng/kg.
Chuyên gia đầu ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đánh giá, nếu nông dân sản xuất không theo quy trình mà nhà khoa học khuyến cáo thì dễ dẫn dụ sâu bệnh về đồng ruộng của mình. Ảnh: Việt Tường. |
Tại sao có sự chênh lệch giá thành quá lớn, gần như gấp đôi? Do nông dân không làm theo hướng dẫn của nhà khoa học. Họ bón phân sai, sạ lúa với mật độ cao (dày). Từ việc làm sai này sẽ quyến rũ nhiều sâu bệnh vào đồng ruộng. Đây là điều kiện giúp cho các công ty bảo vệ thực vật có cơ hội bán thuốc.
Nông dân làm sai quy trình sản xuất thì họ vừa tốn phân, vừa tốn giống, vừa tốn thuốc và công phun xịt. Tất cả các vấn đề này đưa đến việc "dân ta đầu độc dân ta".
- Sự thiếu ý thức của người dân có phải đang làm giàu cho doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật? Vì sao họ làm vậy, thưa ông?
- Người dân xịt thuốc, bón phân phần lớn là vô cơ, phân hóa học, bón không cân đối, bón quá nhiều phân đạm nhưng chỉ bón phớt trên mặt ruộng. Với cách làm này, phân sẽ không được cây lúa sử dụng hoàn toàn mà bốc hơi hết, gây tốn kém rất lớn, trong khi công ty bán thuốc bảo vệ thực vật thì tiêu thụ nhiều sản phẩm để tăng lợi nhuận.
Ở nông thôn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, bà con mình chỉ mua thuốc tại những đại lý trong xã, ấp gần nhà. Nhiều nông dân không có tiền nên tới đại lý ghi nợ. Vì vậy, nơi bán muốn đưa thuốc thế nào thì đưa, họ nói đó là thuốc tốt thì nông dân mang về phun, xịt chứ đâu có đọc được chữ nước ngoài ghi bên ngoài vỏ chai. Trong đó, cũng có thuốc ghi chữ Việt Nam nhưng đại lý để chung với các loại thuốc không rõ nguồn gốc được nhập lậu.
Như vậy, nông dân mình mất đi sự lựa chọn khi mua vật tư nông nghiệp vì thiếu tiền, khiến họ lệ thuộc người bán. Đại lý đưa thuốc không được phép lưu hành cho nông dân để mang về sử dụng tràn lan.
- Có phải cơ quan chức năng không kiểm soát hết hóa chất độc hại nhập lậu qua biên giới hay ngành nông nghiệp đang có vấn đề? Giáo sư có nhận xét, đánh giá gì về việc hóa chất cấm sử dụng trên cây này nhưng dùng được cho cây trồng khác?
- Tôi tìm hiểu từ những người làm trong ngành bảo vệ thực vật thì có khoảng 1.500 loại hóa chất lưu hành khắp Việt Nam. Hóa chất này có những loại rất lạ, có loại rất quen nhưng nước ngoài cấm mà nước mình vẫn cho xài.
Từ đó, tôi thấy lỗ hổng của Thông tư 34 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ban hành ngày 12/10/2015) về việc sửa đổi, bổ sung thông tư trước đó liên quan đến danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép hoặc cấm sử dụng ở Việt Nam. Lỗ hổng này là có trên 100 hóa chất rất độc hại ở phụ lục 2 nhưng chỉ cấm sử dụng trên rau, quả và chè, còn các cây trồng khác thì không cấm.
Nếu không cấm trên các loại cây trồng khác thì 100 loại hóa chất độc hại này vẫn được cho nhập khẩu và lưu hành trên đất nước ta để dùng cho lúa, mía, bắp, khoai… Vậy thì ai biết được người trồng rau, quả và chè không mua về dùng? Vì thế, Thông tư 34 đã và đang tạo điều kiện cho các hóa chất độc hại đã bị cấm ở các nước tiên tiến nhưng mang sang Việt Nam tiêu thụ một cách chính thức.
"Nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được cho là làm giảm giá thành của lúa. Nếu chỉ làm theo kinh nghiệm cá nhân thì giá thành của lúa dễ tăng cao, ít có lãi", Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ. Ảnh: Việt Tường. |
Điều tôi vừa nói giống như chất tạo nạc trong chăn nuôi gia súc. Chất này là Salbutamol, bên ngành y tế cho nhập để chỉ định dùng trong thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức... Từ việc nhập để trị bệnh đã bị người khác lợi dụng, bán đến tay một bộ phận chăn nuôi để tạo nạc cho heo là rất nguy hiểm.
Đề cập lại lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật thì ai dám đảm bảo là anh trồng rau, trồng xoài xuất khẩu không đi mua hóa chất cấm để sử dụng. Do đó, mình không thể tin tưởng hết vào sự trung thực của người nông dân hay người chăn nuôi.
Quy trình trồng trọt, chăn nuôi của họ sai thì cây trồng, vật nuôi dễ bị bệnh. Đầu tiên là nông dân phải cứu gia đình mình trước, ai ăn vô bị bệnh thì bệnh, miễn sao họ không bị bệnh là được. Từ đó, nông dân thấy thuốc nào trị hết bệnh cho cây trồng, vật nuôi thì mua mà không nghĩ đến đó là chất độc hại.
- Theo giáo sư, Việt Nam phải làm gì để người dân không còn phải "đầu độc nhau" và làm giàu cho doanh nghiệp sản xuất và đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật?
- Muốn cắt cơ hội của nông dân trong việc sử dụng hóa chất độc hại, biện pháp hay nhất là cấm hoàn toàn, không được nhập các loại thuốc như tôi đề cập đến "lỗ hổng" của Thông tư 34. Khi đó, ngành chức năng phải phạt thật nặng, không thể nhân nhượng những người buôn bán, sử dụng chất cấm này. Nếu kinh doanh, sử dụng hóa chất quá độc hại thì cũng có thể xử lý hình sự.
Tóm lại, vì sao thuốc độc hại vào Việt Nam? Đó là khi công ty nào đó ở nước ngoài sản xuất ra thuốc mà bị cấm thì họ tìm cách bán sang nước khác, bỏ thì tiếc.
Cách "dụ" của các công ty này là họ nói "tại nước tôi khó quá chứ hóa chất này xài được". Từ đó, một số đối tác và cơ quan chức năng ở nước mình nghe theo, cho họ nhập vào để dân mình sử dụng thì rất đáng lo ngại.
Như vậy, đã cấm thì phải cấm hết, không thể nửa vời, cấm sử dụng trên cây trồng này nhưng lại dùng cho cây trồng khác là không được.