Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Phan Văn Trường chỉ ra sai lầm quản trị của các tập đoàn lớn tại VN

Có tập đoàn địa ốc quy mô lớn tạo ra ganh đua không lành mạnh trong nội bộ, còn một tổng công ty nhà nước muốn quốc tế hóa khi chưa đủ lực. Đó nhận định của GS Phan Văn Trường.

GS Phan Văn Trường nói về vấn đề quản trị của Vingroup, Viettel GS phân tích trên tinh thần không chỉ trích đối với cách quản trị của các doanh nhân Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Mạnh Hùng.

Cuối tuần qua, cuốn sách mới Một đời quản trị của GS Phan Văn Trường ra mắt tại TP.HCM. Sách do NXB Trẻ ấn hành, tiếp nối cuốn sách về kinh doanh và quản trị trước đó của cùng tác giả là Một đời thương thuyết.

Một đời quản trị không chỉ viết về nghệ thuật quản trị, một chủ đề vẫn chưa được bàn thấu đáo ở Việt Nam, mà còn là câu chuyện cuộc đời của GS Phan Văn Trường, một người Việt tài danh trên trường quốc tế.

Những sai lầm quản trị

GS Phan Văn Trường nổi tiếng với khả năng thuyết giảng dễ hiểu và gần gũi về các vấn đề chuyên môn phức tạp với số đông công chúng. Trước câu hỏi về khả năng quản trị của các tập đoàn hàng đầu trong nền kinh tế Việt Nam, GS nói: "Tôi cần xin lỗi trước các lãnh đạo những tập đoàn này vì dù sao họ đã dẫn dắt nền kinh tế của chúng ta được như ngày hôm nay".

gs phan van truong mot doi quan tri anh 1
GS Phan Văn Trường giao lưu với độc giả và sinh viên trong buổi ra mắt sách Một đời quản trị.

Cách dùng từ của GS Phan Văn Trường khá mạnh mẽ nhưng ông góp ý với thái độ chừng mực, hiểu biết. Ông lý giải: "Nhân viên không thể nào chịu nổi sự ganh đua đó, họ sẽ cảm thấy tủi nhục và bị lãnh đạo nghi ngờ sự cố gắng của mình".

GS Phan Văn Trường cũng từng trò chuyện với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc tập đoàn Viettel. Ông được ông Hùng chia sẻ về khát vọng "quốc tế hóa" tập đoàn viễn thông này.

"Quốc tế hóa không phải chỉ là nói tiếng Anh. Khi đưa nhân viên ra nước ngoài để quốc tế hóa, người lãnh đạo phải biết liệu nhân viên của mình sang nước ngoài sống để làm việc thì có thể quen với tập quán ở đó không. 60-70% người Việt Nam cứ 3 ngày thiếu nước mắm là không sống nổi rồi", GS phân tích.

Theo GS, vấn đề lớn nhất khi tập đoàn Viettel muốn quốc tế hóa chính là nhân lực. Mà con người là yếu tố quan trọng nhất trong quản trị. Tập đoàn này từng gửi nhân viên đến Mozambique 1 năm để làm việc. Nhân viên phải sống xa gia đình vì vợ con họ không thể sang cùng: vợ không có việc làm còn con khó tìm trường học.

Muốn làm việc, nhân viên phải chấp nhận sống xa gia đình một năm. Ở những trường hợp như vậy, nhân viên khó công tác hiệu quả.

Một trường hợp khác mà GS Phan Văn Trường có trải nghiệm trực tiếp vì ông từng ở trong hàng ngũ lãnh đạo, đó là Tân Hiệp Phát. Ông kể, trong một lần tìm kiếm giám đốc tài chính, tập đoàn này đã họp rất kỹ để vạch ra một ma trận những tiêu chí của vị trí này.

GS Phan Văn Trường nói về chuyện quản trị của Tân Hiệp Phát Tập đoàn này từng mời một giám đốc tài chính đẳng cấp thế giới nhưng vị này cũng từ chức sau 6 tháng.

Sau đó, họ tuyển được một giám đốc tài chính xuất sắc từ Mỹ về. Nhưng vấn đề là, chỉ 6 tháng sau, vị giám đốc tài chính mới cũng nộp đơn từ chức. Lý do nằm ở đâu? Khi GS Trường hỏi kỹ, câu trả lời là: "Tất cả những hóa đơn từ 100.000 đồng trở lên chỉ có một người duy nhất được ký, là Trần Quý Thanh (nhà sáng lập tập đoàn Tân Hiệp Phát - PV)".

Và như vậy, số hóa đơn mà ông chủ tập đoàn cần ký mỗi ngày cao đến... một thước. Vị giám đốc tài chính đẳng cấp thế giới với khoản tiền lương khủng, được mời về với rất nhiều kỳ vọng, cuối cùng lại không có thực quyền và chỉ còn cách từ chức.

Những câu chuyện thực tế như vậy, GS Phan Văn Trường chọn không đưa vào sách, nhưng ông thẳng thắn phân tích khi giảng dạy hoặc diễn thuyết công cộng, vì cho rằng những kinh nghiệm đó rất cần thiết với sinh viên - các nhà quản trị tương lai của đất nước.

Một cuốn sách đẳng cấp?

GS Phan Văn Trường từng lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của thế giới, là chuyên gia cao cấp lĩnh vực đàm phán quốc tế, từng là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại Quốc tế, hiện vẫn là cố vấn Chính phủ Pháp. Động lực thôi thúc ông viết Một đời quản trị là người Việt vẫn chưa có những cuốn sách về quản trị của riêng mình mà toàn là sách dịch từ nước ngoài.

Trong lời tựa cuốn sách, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch, Tổng giám đốc FPT Software, nhận định: "Hai cuốn sách tôi đánh giá là có giá trị nhất với mỗi doanh nhân là Good to Great (Từ tốt đến vĩ đại) và Build to Last (Xây dựng để trường tồn) của Jim Collins. Tôi mong có một tác giả người Việt có thể viết cho doanh nhân Việt một cuốn sách ở tầm cỡ đó".

Và ông Tiến khẳng định: "Hãy tin tôi, bạn đang cầm cuốn sách đó trên tay".

gs phan van truong mot doi quan tri anh 2
Bìa cuốn sách Một đời quản trị.

Trong Một đời quản trị, GS Phan Văn Trường chỉ ra nhầm lẫn cơ bản của các doanh nhân là giữa quản lý và quản trị. Ông đưa ra những đường hướng xây dựng doanh nghiệp trường tồn và khẳng định "quản trị doanh nghiệp chính là quản trị con người".

"Sau khi viết xong Một đời thương thuyết cách đây 2 năm, tôi không nghĩ rằng mình sẽ viết thêm một cuốn sách thứ hai. Thế nhưng, những trải nghiệm, học hỏi trong suốt 40 năm nghề nghiệp vẫn cuồn cuộn trong dòng máu, tôi cảm thấy mình không viết ra thì chưa làm tròn bổn phận", GS Phan Văn Trường chia sẻ lý do ông viết Một đời quản trị.

GS Phan Văn Trường sinh năm 1946. Ông là chuyên gia đàm phán quốc tế, từng lãnh đạo ba tập đoàn đa quốc gia làm việc trên 60 nước. Ông từng hội kiến với khá đông chính khách và nguyên thủ quốc gia. Hiện ông vẫn giữ vai trò cố vấn Chính phủ Pháp, kiêm giảng dạy tại Đại học Quốc gia TP.HCM và là thành viên Hội đồng Quản trị tập đoàn Hòa Bình.

Ông được Tổng thống Pháp đã trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh năm 2007.

Một đời thương thuyết - Sách của Giáo sư Phan Văn Trường

Cuốn sách được viết từ trải nghiệm của một người đã có nhiều tháng năm chinh chiến trên lĩnh vực đàm phán sẽ cung cấp cho độc giả đầy đủ những kinh nghiệm thương trường.



Hạ Huyền

Ảnh, video: Hạ Huyền

Bạn có thể quan tâm