Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Hoàng Xuân Hãn với khảo cứu về lai lịch chúa Trịnh Kiểm

Trong cuốn sách khảo cứu của mình, GS Hoàng Xuân Hãn viết về sự tích chúa Trịnh Kiểm đi ăn trộm và tìm hiểu lộ trình đoàn sứ bộ sang nhà Thanh của Lê Quý Đôn.

Cuốn Những bài khảo cứu của GS Hoàng Xuân Hãn tập hợp 11 bài viết của GS đăng trên tập san Sử Địa, tạp chí do nhóm giáo sư, sinh viên trường Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương, xuất bản từ năm 1966 đến 1975. Sách do tạp chí Xưa và Nay phối hợp với NXB Hồng Đức xuất bản, và được giữ nguyên tư liệu gốc từ tập san Sử Địa.

Trong cuốn sách khảo cứu của mình, GS Hoàng Xuân Hãn viết về sự tích chúa Trịnh Kiểm đi ăn trộm, tìm hiểu lộ trình đoàn sứ bộ sang nhà Thanh của Lê Quý Đôn, hay nghiên cứu về chủ quyền của nước ta với quần đảo Hoàng Sa.

Lai lich chua Trinh Kiem anh 1
Cuốn khảo cứu của GS Hoàng Xuân Hãn.

Trong bài viết đầu tiên cộng tác với tập san Sử Địa năm 1966 - Gốc tích của các chúa Trịnh - GS Hoàng Xuân Hãn cho rằng việc Trịnh Kiểm hồi nhỏ ưa trộm cắp, không chỉ vì nghèo, mà còn vì tính ngang tàng, bất kham của ông.

Từ tính cách ngang tàng, thích phiêu lưu hành động này, mà sau khi kết hợp với Nguyễn Kim, ông đã ra tài hùng dũng, thỏa chí phiêu lưu.

Dịch Trịnh gia Thế phả, Hoàng Xuân Hãn cho thấy hình ảnh Trịnh Kiểm trộm trâu của người làng giết thịt để khao mục đồng, để rồi bị đuổi đi ở đất khác, hay chuyện ông ăn trộm ngựa của viên tướng nhà Mạc là Ninh Bang hầu, để rồi mẹ ông bị Ninh Bang hầu bắt được, bỏ rọ đá ném xuống sông, thi hài phải nhờ cha con người bạn gốc tù binh Chiêm Thành là Vũ Thì An, Vũ Đình Tung đưa đi chôn cất.

Hoàng Xuân Hãn cũng giới thiệu bài chỉ truyền bằng chữ Nôm do chính tay chúa Trịnh Kiểm viết, giao nhiệm vụ cho ba người thân tín về quê lo việc cải táng phần mộ tổ tiên.

Tác giả nhận xét: Trịnh Kiểm chưa từng tự xưng tước vương, nhưng với việc viết hai chữ chỉ truyền, là lời vua chúa ban xuống cho kẻ dưới, thì ông đã tự coi mình là bậc vương giả rồi.

Những ai muốn tìm hiểu toàn bộ diễn biến cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài gần 200 năm, nên đọc phần khảo cứu rất chi tiết về đề tài này của GS Hoàng Xuân Hãn, tổng hợp từ các tài liệu như cuốn Nam triều công nghiệp diễn chí của Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm và các bộ sử sách thời Lê, Nguyễn khác.

Qua bài nghiên cứu Vụ Bắc sứ năm Canh Thìn đời Cảnh Hưng với Lê Quý Đôn và bài trình bằng văn Nôm, Hoàng Xuân Hãn vẽ lại hành trình chi tiết của sứ đoàn đại diện nhà Lê sang nhà Thanh năm 1760.

Sách Bắc sứ thông lục cùng các sách Lê Quý Đôn để lại khác cho thấy bên cạnh những thủ tục, nghi lễ ngoại giao là những chi tiết đặc biệt như ưu đãi dành cho chức chánh sứ được cấp dân lộc (tiền sưu) của một xã loại vừa, 120 quan tiền cổ (quan ăn 600 đồng tiền) và điền lộc là 50 mẫu ruộng.

Viên phó sứ sẽ được cấp dân lộc một xã vừa, 100 quan tiền cổ và 40 mẫu điền lộc. Mỗi hành nhân của sứ đoàn được cấp 12 suất nhiêu phu (suất tiền mà dân đóng góp để được miễn lao dịch) và 10 mẫu điền lộc. Mỗi tùy nhân được cấp 6 suất nhiêu phu và 5 mẫu điền lộc. Các lộc ấy dùng để sắm sửa hành trang, lễ vật dùng trong sứ trình.

Trên hành trình từ Thăng Long đến Yên Kinh, kinh đô nước Thanh, do phải qua nhiều sông núi hiểm trở, nên sứ đoàn đều phải có lễ cáo và cầu yên với các Sơn thần, Hà bá.

Danh sách tên các đền phải tế lễ trên đường đi rất nhiều, riêng ở kinh thành Thăng Long phải tế 7 Cung miếu, rồi Hà bá sông Nhị Hà, đền Lý Bát đế ở Đình Bảng, đền Doanh Cầu, Quỷ Môn quan, đền Trung Vũ và Pha Long ở Lạng Sơn, đền Pha Duy ở Đồng Đăng…

Các lễ tế trên đất Việt, sứ đoàn được cấp 59 quan cổ tiền, 5 tiền và 30 đồng, lễ vật gồm trâu, lợn, mâm xôi, hương, rươu trầu. Ngoài ra, gặp đền miếu trên đất Thanh, sứ đoàn cũng phải lễ tế nhưng lễ vật phải tự lo.

Đặc biệt, chuyến đi sứ của Lê Quý Đôn có tới 729 người phu đi theo phục dịch, trong đó chánh sứ có 70 phu, phó sứ 120 phu, khiêng 11 hòm đồ công là 84 phu. Mỗi người phu được cấp 5 quan tiền, tổng cộng phí tổn cho phu phen là 2.445 quan.

Lai lich chua Trinh Kiem anh 2
GS Hoàng Xuân Hãn có nhiều khảo cứu giá trị.

Các khảo cứu khác được tập hợp trong sách gồm Những lời thề của Lê Lợi (Văn Nôm đầu thế kỷ XV), Bắc Hành Tùng ký, Phe chống đảng Tây Sơn ở Bắc với tập Lữ Trung ngâm, Việt Thanh chiến sử, Đồ biểu đối chiếu lịch xưa và công lịch.

Bên cạnh đó, GS Hoàng Xuân Hãn viết một bài về chủ đề hiện đại là Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, khi ông là thành viên của phái đoàn Việt Nam DCCH trong cuộc đàm phán với Pháp năm 1946, và bài viết khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

GS Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) quê ở làng Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông du học tại Pháp, lấy bằng kỹ sư cầu đường, sau đó học ngành Toán, lấy bằng thạc sĩ tại đại học Sorbonne danh tiếng. Sau khi về nước, ông dạy học ở trường Bưởi, đóng góp cho nền giáo dục cuốn Danh từ khoa học.

Với vốn chữ Hán uyên thâm, ông đã khảo cứu và viết những cuốn sách giá trị về Lý Thường Kiệt, La Sơn Phu Tử… Từ năm 1951, ông sang sinh sống ở Pháp và tiếp tục có những đóng góp giá trị cho nền văn hóa, giáo dục, khoa học Việt Nam.



Mã Giang

Bạn có thể quan tâm