Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Đào Duy Anh kể về bốn thời kỳ dạy học

Là một học giả lớn, nhà nghiên cứu uy tín, Giáo sư Đào Duy Anh đã có bốn lần tham gia dạy học, từ bậc tiểu học đến đại học.

Trong cuốn hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm của mình, GS Đào Duy Anh đã kể lại nhiều kỷ niệm thú vị về những khoảng thời gian dạy học của mình.

Đào Duy Anh sinh ra ở Nông Cống, Thanh Hóa, nhưng vốn quê gốc ở huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Sau khi đỗ Thành chung tại trường Quốc học Huế năm 1923, ông bắt đầu bước chân vào nghề giáo khi dạy học ở Trường Tiểu học Đồng Hới tỉnh Quảng Bình.

Ông kể ngắn gọn về thời gian này trong hồi ký: "Tôi vốn không có ý ở mãi Đồng Hới mà chôn vùi tuổi thanh niên của mình trong cái nghề "gõ đầu trẻ" ở một nơi hẻo lánh như thế, nhưng chỉ còn chờ thi bằng Tú tài để có thể cầm tay được cái lợi khí tương đối khá mà kiếm ăn...".

Sau ba năm dạy học, năm 1926, ông từ chức giáo học để vào Đà Nẵng tham gia viết báo Tiếng dân với chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.

giao su Dao Duy Anh anh 1
Học giả Đào Duy Anh không chỉ là nhà sử học, địa lý, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa mà còn là nhà giáo nổi tiếng, thầy dạy rất nhiều nhà sử học hàng đầu Việt Nam.

Do hoạt động cách mạng trong đảng Tân Việt, ông và người vợ chưa cưới, bà Trần Thị Như Mân, bị thực dân Pháp bắt giam từ năm 1929 đến năm 1930. Ra tù, ông bà cưới nhau, bà mở cửa hàng sách báo và một trường tư thục là Trường Nữ giáo cho học sinh nữ ở các tỉnh miền Trung vào học. Đào Duy Anh quay lại sự nghiệp dạy học ở trường này, rồi dạy thêm ở trường tư thục Thuận Hóa.

Ông viết: "Bấy giờ tôi đương dạy môn quốc văn và môn lịch sử ở trường tư thục Thuận Hóa ở Huế. Môn văn hóa Việt Nam tôi cũng đảm nhiệm. Nhưng môn ấy không có sách giáo khoa, mà cũng không từng có sách chuyên luận để tham khảo thì biết lấy gì mà dạy cho học trò?".

Đó chính là lý do ông biên soạn cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, được xuất bản năm 1938 mà ông khiêm tốn đề rằng "sách này chỉ là một mớ tài liệu để tham khảo".

Ông cũng xác nhận, do dạy học mà ông dành nhiều thì giờ để nghiên cứu văn học, đặc biệt là Truyện Kiều để rồi viết được cuốn Khảo luận về Kim Vân Kiều, xuất bản năm 1942. Trong thời gian này, ông đã trở thành học giả nổi tiếng với những tác phẩm như bộ Từ điển Hán Việt, Từ điển Pháp Việt, Khổng giáo phê bình luận, Trung Hoa sử cương...

Sau cách mạng tháng Tám, cuối năm 1945, ông được chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa gọi ra Hà Nội để tham gia giảng dạy ở trường Đại học Hà Nội mới mở. Ông kể lại về mái trường mới này: "Khoa Văn thì có ông Cao Xuân Huy dạy triết học, ông Đặng Thai Mai và ông Hoài Thanh chia nhau dạy văn học Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Tường dạy văn học Pháp, khoa sử thì ông Nguyễn Văn Huyên dạy lịch sử thế giới, ông Nguyễn Thiệu Lâu dạy địa lý, tôi dạy lịch sử Việt Nam".

Do chương trình giáo dục đại học của chính quyền mới chưa có giáo trình, ông dựa vào những kết quả nghiên cứu về cổ sử của mình để soạn một giáo trình đem giảng cho sinh viên năm thứ nhất. "Không nhớ khoa Sử có bao nhiêu người theo học, tuồng nhưng bấy giờ sinh viên đều ghi tên cả ba lớp, những người thích giáo trình nào thì đi nghe giáo trình ấy thôi".

Ông nhận xét về việc dạy học của mình: "Tôi thấy lớp tôi giảng cũng khá đông người nghe, trong số sinh viên có cả những người đã luống tuổi, có người như ông Ng.T. đã tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội trước kia cũng đi nghe rất đều. Sở dĩ giáo trình này không đến nỗi vắng người như vậy là vì môn lịch sử cổ đại Việt Nam cũng như môn văn học Việt Nam là được giảng đầu tiên bằng tiếng Việt ở trường đại học".

"Tôi lấy làm sung sướng được là người đầu tiên giảng về cổ sử Việt Nam theo phương pháp của khoa học lịch sử mới, truyền cho sinh viên được lòng tự hào có cơ sở khoa học đối với nguồn gốc vẻ vang của dân tộc, cái nguồn gốc mà xưa nay người ta chỉ tự hào một cách thần bí với truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên", ông tự hào viết trong hồi ký.

Nhưng chỉ hoạt động được vài ba tháng thì đến gần Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, để đề phòng bất trắc xảy ra, trường Đại học Hà Nội đình giảng.

Trong thời kỳ sơ tán ở Thanh Hóa, ông sưu tầm tài liệu để viết xong bốn tập Việt Nam lịch sử giáo trình để cung cấp tài liệu giảng dạy lịch sử cho Phòng chính trị Liên khu IV nói riêng và cho các trường phổ thông nói chung.

Năm 1950, ông được mời ra Việt Bắc làm Trưởng Ban Sử - Địa thuộc Vụ Văn học Nghệ thuật, Bộ Giáo dục. Sau một trận ốm nặng, năm 1952, Đào Duy Anh về Thanh Hóa giảng dạy tại trường Dự bị Đại học. Năm 1954, sau ngày tiếp quản thủ đô, ông trở về Hà Nội tiếp tục giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa.

Năm 1956, khi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập, ông được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn Cổ sử Việt Nam cho đến năm 1958. Ông là một trong những nhà giáo đầu tiên được phong hàm giáo sư.

Tuy nhiên, theo hồi ký của ông "Đầu năm 1958, vì có liên quan vào vụ Nhân văn giai phẩm, tôi thôi giảng dạy ở trường Đại học Tổng hợp", và tập trung vào việc nghiên cứu sử học, dịch và hiệu đính tài liệu cổ. Ông nghỉ hưu năm 1965 nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu cho đến khi qua đời năm 1988.

Ngoài việc soạn những cuốn sách giá trị như Đất nước Việt Nam qua các đời, Từ điển Truyện Kiều, Chữ Nôm: nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, ông còn hiệu đính, biên dịch, chú giải rất nhiều tác phẩm quý khác như Lịch triều Hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục, Thánh Tông di thảo, Phủ biên tạp lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Trãi toàn tập, Đại Nam nhất thống chí, Binh thư yếu lược - phụ Hổ trướng khu cơ, Khóa hư lục (dịch), Sở từ (dịch), Truyện Hoa Tiên, Truyện Kiều

Năm 2000, Giáo sư Đào Duy Anh đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông được ghi tên vào bộ từ điển Larousse (Pháp) với tư cách là nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại.

Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm