Gossip Girl (2007-2012) kéo dài 6 mùa, vắt từ cuối thập niên 2000 sang đầu thập niên 2010 như một sự chuyển giao. Bộ tiểu thuyết gốc ra đời năm 2002. Để dễ hình dung, mạng xã hội Facebook (tiền thân là Facemash) được Mark Zuckerberg ra phiên bản đầu tiên vào năm 2003 và bùng nổ trong những năm tiếp theo.
Như vậy, loạt phim và mạng xã hội có một lịch sử song song, in dấu một thời đại “đói khát kết nối”, khi giới trẻ có nhu cầu to lớn trong việc buôn chuyện về mọi thứ, nhất là về những người nổi tiếng.
Kẻ buôn chuyện cô đơn trước thời Facebook
Tháng 9 này, Gossip Girl kỷ niệm ngày đầu công chiếu tập đầu tiên trong toàn bộ loạt phim. Nội dung loạt phim kể cuộc sống hào nhoáng và lắm thị phi của một nhóm "trẻ trâu" nhà giàu ở Manhattan, New York và các bạn bè của họ.
Nhóm bạn lẫn lộn giàu nghèo nhưng đều lắm chuyện thị phi như nhau trong Gossip Girl. |
Nhân vật chính là Serena van der Woodsen (Blake Lively đóng) và Blair Wardolf (Leighton Meester) - hai “hot girl” khét tiếng của trường trung học - và các chàng trai của họ gồm anh chàng nổi tiếng đẹp trai Nate Archibald (Chace Crawford) và “playboy” khét tiếng Chuck Bass (Ed Westwick).
Lạc vào khung cảnh thượng lưu này là Dan Humphrey (Penn Badgley), một chàng trai con nhà nghèo, tự nhận mình là “kẻ ngoài lề” với góc nhìn cá tính về thế giới xa hoa kia.
Bao trùm cuộc sống của nhóm nhân vật chính và các bạn là nhân vật bí ẩn mang tên Gossip Girl - “cô nàng buôn chuyện”. Đây là kẻ thạo tin số một về “cuộc sống tai tiếng của giới thượng lưu Manhattan” (như lời giới thiệu luôn lặp lại ở đầu mỗi tập) nhưng không bao giờ để lộ danh tính mà ẩn nấp sau trang web mang tên mình cùng giọng nói dẫn chuyện bí hiểm.
Những thông tin nóng luôn được Gossip Girl thu thập và gửi đến tất cả các học sinh trung học trong trường qua điện thoại di động. Đó là những chuyện trên trời dưới biển: yêu đương, hẹn hò, tình một đêm, ngoại tình, dan díu, lộ clip sex…
Tất nhiên, thường là xoay quanh các nhân vật hot như Serena, Blair, Nate, Chuck, Dan (không phải thượng lưu nhưng có tình cảm sâu nặng với Serena) và những rắc rối, tai tiếng của họ.
Loạt phim đầy ắp cảnh nóng, tạo nên trào lưu tiếng lóng OMFG (Oh My F***ing God) được giới trẻ ưa chuộng một thời gian dài. |
Câu chuyện đến đây có gì đặc biệt? Vấn đề nằm ở nhân thân của Gossip Girl, điều được tiết lộ vào cuối phim khiến tất cả bất ngờ. Đó là một nhân vật cực kỳ quen thuộc với nhóm bạn hào nhoáng trên nhưng cũng là một kẻ rất cô đơn.
Trong căn phòng tối, người đó lên mạng cập nhật những vụ việc tai tiếng nhất của giới thượng lưu để vuốt ve sự cô độc của mình, cũng như xoa dịu nỗi mặc cảm không thể gia nhập vào thế giới đó.
Có thể hình dung ra mỗi người trong chúng ta khi ngồi trước màn hình Facebook, dõi theo câu chuyện đời tư của những người chúng ta không quen nhưng chưa bao giờ hết tò mò.
Gossip Girl cũng không hề đơn độc mà được hậu thuẫn bởi những nguồn tin hùng hậu đến từ khắp mọi nơi, từ cả những độc giả hay thậm chí nhân vật của nó.
Chính Serena hay Blair cũng không ít lần gửi thông tin, hình ảnh, clip đến Gossip Girl để phục vụ mục đích của mình. Và cứ như vậy, trang web buôn chuyện này sống dai và sống khỏe, chẳng khác nào hằng hà sa số những trang buôn chuyện trên Facebook hiện nay.
Facebook là nhất thời, buôn chuyện mới là mãi mãi
Gossip Girl lên sóng đúng vào khoảng thời gian Facebook bùng nổ và làm mưa làm gió trong cuộc sống của hàng tỷ cư dân toàn cầu nhưng trong phim không có bóng dáng mạng xã hội này. Trái lại, các nhân vật trong phim vẫn có thói quen vào web và nhận tin nhắn thông báo bài viết mới qua điện thoại di động.
Mặc dù không đủ nhanh nhạy để bắt kịp trào lưu mạng xã hội sẽ sớm nuốt chửng thế giới, Gossip Girl vẫn vẽ ra một thế giới tưởng tượng khá chính xác so với tương lai của nó - tức hiện tại của chúng ta.
Đó là một thế giới nơi người ta không thể rời chiếc điện thoại di động. Một thế giới đầy ắp tín hiệu định vị, các đoạn video quay lại để tung lên mạng và thói truyền hình trực tiếp các vụ bê bối bằng điện thoại di động qua web.
Một thế giới xoay quanh những "hot girl" như Blair (trái) và Serena cũng chẳng xa lạ gì với chúng ta. |
Cả xã hội quay cuồng quanh những thông tin giống nhau, bàn tán về cùng một chủ đề từ Manhattan cho đến Brooklyn (khu nhà nghèo của New York, nơi Dan sống). Mỗi vụ bê bối đi thẳng từ đời thực lên Internet, khuấy đảo thêm một chút cái đời sống vốn đã hỗn độn của giới thượng lưu. Một thế giới nơi văn hóa sống bị san phẳng, dù vẫn còn phân biệt đẳng cấp giàu nghèo nặng nề.
Trong loạt phim, chúng ta thấy những bữa tiệc sang chảnh nơi tất cả tụ hội để rồi chứng kiến đoạn clip cảnh nóng giữa Serena và Dan được chiếu trên màn hình lớn. Khi Blair mất trinh tiết vào tay Chuck, thông tin được cả ngôi trường trung học bàn tán vào ngày hôm sau. Tình bạn và cuộc chiến giữa hai “đệ nhất hot girl” Queen S (Serena) và Queen B (Blair) cũng là chủ đề hấp dẫn thường xuyên được cập nhật.
Gossip Girl ra đời sau The O.C., một loạt phim truyền hình nổi tiếng về đời sống giới trẻ khác cũng từng làm mưa làm gió. Nhưng Josh Schwartz, giám đốc sản xuất của Gossip Girl, tự tin rằng series của mình ăn đứt The O.C. về tính toàn cầu.
Ông gọi đám nhân vật trong The O.C. là “những đứa trẻ ở hạt Orange”, quá khu biệt và địa phương, không thể nào gợi cảm giác phổ biến toàn cầu như nhóm bạn ở Manhattan của Serena và Blair.
10 năm đã qua, lời tiên đoán của tác giả bộ tiểu thuyết gốc và các nhà sản xuất truyền hình đã trở thành sự thật, sống động đến không ngờ. Họ đã đúng: cả thế giới vẫn không thể ngừng buôn chuyện. Trang Mashable nhận định Gossip Girl đã “đi tiên phong trong việc dùng thiết bị di động” và “cách mạng hóa vai trò của mạng xã hội sau này”.
Có thể Serena và Blair không có tài khoản Instagram hàng triệu người theo dõi. Cảnh nóng giữa họ và các anh chàng không bị livestream qua Facebook. Cũng không có một chiến dịch sử dụng hashtag nào trên Twitter để phản đối thói trăng hoa của Chuck. Nhưng nên nhớ, các thương hiệu chỉ là nhất thời, sự đói khát kết nối và thói buôn chuyện của con người mới là mãi mãi.
Và như vậy, Gossip Girl sẽ luôn tồn tại, dưới nhiều hình dạng khác.