Theo thông lệ, Google thường lấy tên của các loại bánh kẹo để đặt tên cho một hệ điều hành mới. Ví dụ Android 7.0 được gọi là Nougat (một loại kẹo được làm từ đường hoặc mật ong kèm với các loại quả cứng).
Tương tự với hai phiên bản trước đó nữa là Android 6 với Marshmallow (kẹo dẻo) và Android 5 với Lollipop (kẹo mút). Vì thế, Android O rất có thể là viết tắt tên của dòng bánh Oreo.
Android O vừa được Google phát hành bản thử nghiệm. Ảnh: Droidlife. |
Ở phiên bản lần này, Google tập trung vào việc quản lý các ứng dụng chạy nền (giống như hệ điều hành iOS) nhằm chắc chắn rằng tiến trình này không làm ảnh hưởng đến tuổi thọ pin smartphone.
"Chúng tôi đã cài đặt các thiết lập tự động để giới hạn hoạt động của các ứng dụng chạy nền lên 3 loại sau đây: ứng dụng thu phát sóng ngầm, ứng dụng đa phương tiện, và ứng dụng bản đồ." Dave Burke, một kĩ sư lập trình hệ điều hành Android chia sẻ.
Tuy nhiên, tính năng này vẫn chưa được hoàn thiện nên có khả năng những ứng dụng mà người dùng đang sử dụng hoặc truy cập sẽ bị ảnh hưởng tùy theo mức độ.
Bên cạnh đó, để tiết kiệm pin của smartphone một cách tối đa, hệ điều hành Android O sẽ được trang bị tính năng hạn chế sự khởi động của một hay nhiều ứng dụng hoặc chỉ cho phép một số lượng nhất định ứng dụng được làm việc cùng lúc.
Bảng thông báo trạng thái smartphone của hệ điều hành Android O có nhiều sự thay đổi đáng kể. Ở những phiên bản Android tiền nhiệm, smartphone tự động hiện nhiều bảng thông báo vì những thay đổi nhỏ nhất của điện thoại. Tuy nhiên, Android O chủ động gộp các thông báo có cùng tính chất hoặc kém quan trọng thành một "kênh", không gây khó chịu cho người dùng.
Giao diện bảng thông báo trạng thái của smartphone hệ điều hành Android O. Ảnh: Mashable
|
Không những thế, người dùng còn được tự do lựa chọn thông báo nào sẽ được hiển thị cho từng loại ứng dụng phù hợp qua bảng điều khiển chính của hệ điều hành Android O được thiết kế ngay bên ngoài mà không cần phải vào phần Settings (tùy chỉnh) của smartphone.
Màu sắc của bảng thông báo sẽ trở nên rõ ràng hơn giúp người dùng dễ nhận diện và xử lý thông tin. Một tính năng độc đáo nữa của hệ điều hành Android O là cho phép người dùng bỏ qua tạm thời một thông báo, sau đó cho phép chúng nhắc nhở người dùng ở một thời điểm đặt trước.
Tuổi thọ của pin và tùy chỉnh bảng thông báo không chỉ là hai tính năng được chú trọng ở phiên bản này. Google còn nhắm vào việc cải thiện chất lượng âm thanh qua tai nghe bluetooth với các codec âm thanh dùng cho việc truyền phát âm thanh chất lượng cao qua bluetooth cũng như là công nghệ hỗ trợ truyền âm không dây của hãng Sony.
Google đã cố gắng làm cho điện thoại của người dùng trở nên an toàn hơn với bản cập nhật WebView trong Android O. WebView là một dịch vụ được sử dụng rộng rãi cho phép các nhà lập trình tận dụng công nghệ trình duyệt trong ứng dụng của họ. Bản cập nhật này làm cho các ứng dụng mã độc khó đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.
Một tính năng khác trong Android O là chế độ “ảnh trong ảnh”. Người dùng có thể xem video trong khi sử dụng các ứng dụng khác như xem bản đồ định vị của Google hay nhắn tin. Tính năng này trước đây chỉ có trên Android TV. Bản cập nhật này cũng cải tiến tính năng tự động điền ký tự. Nó sẽ tự động điền văn bản vào các hộp thoại giúp người dùng không phải gõ lại nhiều lần.
Google còn cho phép tự thiết kế logo của Android tùy theo kích cỡ và hình dáng, màu sắc của màn hình chính mà người dùng đã lựa chọn. Phiên bản Android O hoàn chỉnh sẽ được Google cho ra mắt vào tháng 6 tại sự kiện Google I/O.