Hội đồng quản trị Công ty CP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa có nghị quyết phê duyệt việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản một số vấn đề.
Theo đó, chủ sở hữu 22 thương hiệu F&B dự kiến bổ sung 4 ngành nghề kinh doanh bao gồm: Hoạt động tư vấn quản lý; Bán lẻ nhiều loại mặt hàng trong cửa hàng tiện lợi (minimarket); Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, đồ tổng hợp khác qua website và ứng dụng điện thoại; Bán lẻ hình thức khác chưa được phân vào đâu.
Hồi đầu năm, HĐQT Golden Gate vừa thông qua việc góp thêm vốn 90 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư Tây Hồ - Vĩnh Phúc (nhà máy nước cốt canh và kem).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này dự kiến đổi tên công ty từ Công ty CP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng thành Công ty CP Tập đoàn Golden Gate. Phê duyệt phương án tạm ứng cổ tức của năm 2022 là 65% mệnh giá, tương ứng 6.500 đồng/cổ phiếu, dự kiến thực hiện quý II.
Ngoài ra, doanh nghiệp muốn điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình thu hút nhân sự tài năng từ nguồn cổ phiếu quỹ đã được phê duyệt tại Đại hội cổ đông 30/6/2022. Cụ thể, Golden Gate ngừng việc triển khai phát hành 1.500 cổ phiếu cho bà Vũ Quế Nhi và phát hành 600 cổ phiếu cho bà Vũ Thu Hương với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đây, Golden Gate tập trung chủ yếu phát triển chuỗi nhà hàng lẩu, nướng và quán cà phê. Ảnh: Phương Lâm. |
Đồng thời, thông qua phương án phát hành cổ phiếu ESOP từ nguồn cổ phiếu quỹ cho mục đích thu hút nhân tài và giữ chân nhân tài. Đối tượng phát hành là các nhân sự chủ chốt của công ty. Giá phát hành không dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện từ 2023 đến 2025.
Doanh nghiệp cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên có kết quả làm việc xuất sắc từ nguồn cổ phiếu quỹ. Đối tượng phát hành là các nhân sự chủ chốt của công ty. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong năm nay hoặc do Hội đồng quản trị quyết định.
Liên quan hoạt động kinh doanh của Golden Gate, chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2022, nhưng sau giai đoạn 2020-2021 chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, chủ chuỗi nhà hàng lẩu, nướng, bia tươi này đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 lên tới 7.002 tỷ đồng, mức cao kỷ lục của doanh nghiệp.
Trong đó, doanh thu thuần dự kiến là 6.878 tỷ đồng và lợi nhuận Ebitda là 931 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 375 tỷ đồng. So với kết quả kinh doanh năm liền trước, kế hoạch này của Golden Gate tăng tới 111% ở chỉ tiêu tổng doanh thu và cao hơn 107% chỉ tiêu doanh thu thuần. Đây cũng là kế hoạch doanh thu tham vọng nhất công ty này từng đặt ra từ trước đến nay.
Cũng trong năm 2022, gần 33% vốn góp của nhà đầu tư cũ Prosperity Food Concepts và một phần nhỏ vốn góp của 2 nhà đồng sáng lập Golden Gate đã được chuyển đổi sang cho nhóm cổ đông mới bao gồm Temasek, SeaTown Private Capital và Periwinkle (Singapore).
Tính đến cuối tháng 12/2022, công ty này sở hữu 22 thương hiệu, gần 400 nhà hàng tại hơn 40 tỉnh, thành phố, phục vụ 18 triệu lượt khách mỗi năm.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế