Ngày càng có nhiều người dùng trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo bằng deepfake. Ảnh: Đan Thanh. |
Ngày 1/4 , chị Phạm T. (Nha Trang) nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook mẹ ruột nhờ chuyển 8,7 triệu đồng đến một tài khoản lạ. Bằng các thủ thuật đổi mặt, giả giọng nói bằng AI (deepfake), kẻ gian đã thành công giả mạo mẹ của nạn nhân khi gọi video để tạo lòng tin.
“Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân sẽ không chuyển khoản đến người lạ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thế nhưng người nhờ giúp lại là mẹ nên tôi khó lòng từ chối", chị T. chia sẻ.
Làm giả giọng nói, hình ảnh
Theo chị T., cuộc gọi video chỉ kéo dài chưa đến 30 giây, chất lượng hình ảnh cũng không tốt nhưng vẫn đủ để nạn nhân nhận ra gương mặt và giọng nói của mẹ. Vì vậy chị T. nhanh chóng chuyển 8,7 triệu đồng đến tài khoản đã được chỉ định.
Sau khi nhận được tiền, kẻ lừa đảo tiếp tục yêu cầu chị T. chuyển thêm 16 triệu đồng cho “một người quen". Nạn nhân dần nhận thấy có dấu hiệu bất thường vì vậy nhanh chóng liên lạc với phụ huynh và phát hiện tài khoản Facebook trên đã bị hack, cuộc gọi video, giọng nói và hình ảnh đều được làm giả một cách tinh vi.
Tin nhắn giả mạo chị T. nhận được. Ảnh: NVCC. |
“Họ dùng Facebook của mẹ tôi, gọi video với giọng và hình ảnh của bà ấy nên tôi không nghĩ bị lừa. Đến khi liên lạc về nhà tôi mới biết tài khoản đã bị hack", chị T. cho biết thêm.
Tương tự chị T., anh Thế Vinh (TP.HCM) cũng bị lừa hơn 20 triệu đồng với hình thức như trên. Kẻ gian đã mạo danh người thân của anh Vinh và nhắn tin qua nền tảng Facebook mượn 23 triệu đồng. Nạn nhân cho biết cuộc gọi video được làm chân thật, giọng nói cũng giống đến 100% vì vậy rất khó để nhận ra.
Anh Vinh chia sẻ khi gọi xác nhận thông qua ứng dụng Messenger, đầu dây bên kia vẫn hiện lên khuôn mặt và giọng nói của người thân với với âm điệu trùng khớp hoàn toàn. Tuy nhiên, âm thanh rất khó nghe, hình ảnh bị nhòe như mất kết nối Internet.
“Họ hàng của tôi thường xuyên nhắn tin Facebook để hỏi thăm, nhờ giúp đỡ nên bản thân có phần chủ quan. Tôi cũng gọi video để xác nhận nhưng đầu dây bên kia nói mạng yếu, không nghe rõ nên tắt máy sau khoảng vài giây. Tuy nhiên tôi vẫn có thể nhận ra đó là giọng nói và gương mặt của người thân”, anh Vinh nói.
Vì vậy, nạn nhân đã nhanh chóng chuyển tiền đến tài khoản được yêu cầu. Đến 18h cùng ngày, anh Vinh nhìn thấy bài đăng thông báo của người thân trên trang cá nhân về việc bị kẻ xấu hack Facebook. Sau khi liên hệ, người này mới nhận ra bản thân đã mất hơn 20 triệu đồng vào tay kẻ lừa đảo.
Từ ứng dụng giải trí trở thành chiêu trò lừa đảo
Trước đây, deepfake được các nhà sản xuất tạo ra với mục đích giải trí. Tuy nhiên gần đây, ngày càng nhiều kẻ gian sử dụng thủ thuật này cho mục đích lừa đảo, trục lợi bất chính.
Năm 2021, cảnh sát Đài Loan đã triệt phá đường dây phạm tội bằng công nghệ deepfake để sản xuất văn hóa phẩm đồi trụy của Chu Ngọc Thần. Bằng thủ đoạn nói trên, Chu và đồng bọn kiếm hơn 1,7 triệu USD/năm.
Theo cảnh báo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 Bộ Công an), tại Việt Nam, việc sử dụng thủ thuật deepfake giả dạng người thân, bạn bè nhằm yêu cầu mượn tiền, chuyển khoản ngày càng trở nên phổ biến.
Công nghệ deepfake dần trở thành thủ thuật chung của những kẻ lừa đảo. Ảnh: Shutterstock. |
Trao đổi với Zing, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia bảo mật tại dự án Chống Lừa Đảo, nhận định những video deepfake rất dễ thực hiện, người dùng có thể tự học toàn bộ quy trình chỉ trong vài phút thông qua các video hướng dẫn trên Internet.
Giải thích kỹ hơn, ông Hiếu cho biết với công cụ cần thiết là một máy tính để bàn, có GPU rời, sử dụng phần mềm DeepFaceLab tải miễn phí trên mạng, chỉ mất vài giờ để ghép mặt một người vào một video nói chuyện.
Thậm chí những người có nhu cầu có thể tự học qua những video hướng dẫn đăng tải trên mạng, dài chỉ 6-10 phút, gồm toàn bộ quy trình để dựng video deepfake từ một video gốc.
Nếu muốn làm “kỹ” hơn, có các công cụ deepvoice chuyên cho giọng nói và công cụ tinh chỉnh để khiến cho chuyển động môi khớp hơn với lời nói, chuyên gia cho biết. Các công cụ này đều sẵn có trên mạng, từ phần mềm đến hướng dẫn sử dụng. Càng có nhiều hình ảnh của một người, video deepfake càng có thể chân thực hơn, với khoảng yêu cầu lý tưởng là 300-2.000 hình ảnh.
Để tránh bị lừa đảo, ông Hiếu cũng cho biết người dùng nên bình tĩnh và tìm cách kiểm tra thông tin khi nhận được cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền.
“Người dùng nên đặt những câu hỏi mang tính cá nhân mà chỉ có bạn và người kia mới biết. Thủ thuật deepfake sẽ không thể làm giả một cuộc trò chuyện trong thời gian thực và có tính chuẩn xác cao do hạn chế về cảm xúc, biểu cảm”, ông Minh Hiếu lưu ý.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.