Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gói tài chính cuốn đi cả ghế thủ tướng Anh

Kế hoạch ngân sách của bà Liz Truss kích hoạt một chuỗi sự kiện, từ việc làm tăng các khoản thanh toán tiền nhà, sụt giá bảng Anh và cuối cùng là vị thủ tướng phải từ chức.

Thu tuong Truss anh 1

Thủ tướng vừa mất chức Liz Truss cùng cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng - kiến trúc sư gói tài chính làm chao đảo nước Anh. Ảnh: Reuters.

Nước Anh chao đảo kể từ khi chính quyền bà Truss công bố gói tài chính có tên “ngân sách nhỏ gọn” (“mini budget”) vào cuối tháng 9.

Không chỉ kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính trong nội bộ nước Anh và làm tăng chi phí thế chấp cho hàng triệu người, gói tài chính ấy còn châm mồi lửa khiến cho Thủ tướng Liz Truss phải từ chức hôm 20/10.

Hiếm có một bộ chính sách tài chính lại gây ra thiệt hại chính trị và kinh tế như thế ở Anh. Ngay cả gói ngân sách năm 2012 của cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne - vốn bị chê cười là “ngân sách sai toàn tập” - cũng không thể sánh với ngân sách nhỏ gọn vừa qua.

Gói tài chính mơ hồ

Mọi chuyện vốn chưa bao giờ sẽ dễ dàng đối với bà Truss.

Khi bà tiếp quản chiếc ghế thủ tướng, nước Anh đang đối diện bức tranh kinh tế đầy giông tố. Trên nền lạm phát leo thang, hóa đơn năng lượng được dự đoán tăng 80% trong tháng 10 và sẽ còn tăng trong tháng 1/2023, đe dọa đẩy hàng triệu người dân vào cảnh khốn khó, không thể sưởi ấm nhà cửa trong mùa đông.

Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn vào ngày 23/9, khi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng - đồng minh thân cận của bà Truss - trình bản ngân sách ngắn gọn lên Hạ viện Anh.

Thu tuong Truss anh 2

Nước Anh đang chật vật chống lại lạm phát leo thang. Ảnh: AP.

Nội dung gói tài chính này bao gồm bỏ áp mức thuế 45% đối với người có thu nhập cao hơn 164.000 USD/năm, giảm mức thuế cơ bản cho người thu nhập thấp, giảm thuế mua nhà. Theo Guardian, nếu được thông qua, đây sẽ là động thái giảm thuế lớn nhất ở Anh kể từ năm 1972.

Tuy nhiên, kế hoạch giảm thuế như trên cũng đòi hỏi nước Anh tăng cường vay chính phủ, trong lúc nhiều người đang lo ngại về nền tài chính công của nước này.

Các nhà kinh tế học phản đối ý tưởng cho rằng việc giảm thuế trị giá 50 tỷ USD cho người giàu mà không đi kèm khoản khác bù vào sẽ không thể kích thích kinh tế tăng trưởng. Không chỉ những nhóm phản đối thông thường, ngay cả Goldman Sachs, Ngân hàng Bank of America và cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều lên tiếng.

Chính phủ Anh khẳng định giảm thuế sẽ khuyến khích thêm nhiều đầu tư và lợi ích ấy sẽ được lan tỏa khắp nền kinh tế. Nhưng rủi ro ở đây là việc gói tài chính trên sẽ không đủ để đảo ngược tình trạng hoạt động trong nền kinh tế ảm đạm nhiều năm qua.

Guardian nhận định rằng khi mà lạm phát leo dốc, rủi ro suy thoái ngày một tăng và chi phí đi vay gia tăng ở khắp các nền kinh tế phát triển, gói tài chính của bà Truss là “phép cược lớn vào sai thời điểm”.

Thị trường đã có phản ứng mãnh liệt. Sau thông báo về ngân sách nhỏ gọn, trái phiếu chính phủ giảm mạnh giá trị, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải có động thái hiếm hoi là can thiệp để giữ ổn định giá. Đồng bảng Anh cũng xuống mức thấp kỷ lục trong gần 40 năm so với đôla.

Thu tuong Truss anh 3

Thủ tướng Liz Truss vừa từ chức hôm 20/10. Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế từ “mới nổi” thành “sắp chìm”

Sau hàng chục thập kỷ nổi tiếng với khả năng quản trị tốt nền kinh tế, những đồng minh thân cận trước đây của Anh hiện so sánh nước này với “một nền kinh tế mới nổi đang dần tự biến mình thành nền kinh tế sắp chìm”.

Một số người còn so sánh cơn khủng hoảng vừa qua như Khủng hoảng Kênh Suez vào năm 1956, sự kiện khiến vị thế quốc tế của nước Anh suy giảm mãi mãi.

Sau khi hứa hẹn đem lại tăng trưởng, thử nghiệm thất bại của bà Truss nhiều khả năng sẽ dẫn đến cái kết là Anh phải trải qua giai đoạn như thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” của những năm 2010.

Khi ấy, chính phủ Anh sẽ phải gấp rút khắc phục những thiệt hại mà vị thế nước này phải hứng chịu, thông qua việc cam kết cân bằng ngân sách.

Hôm 14/10, bà Truss sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwarteng. “Rõ ràng là một phần ngân sách nhỏ gọn của chúng tôi đi xa và nhanh hơn kỳ vọng của thị trường”, bà nói, theo BBC.

Người được bà Truss bổ nhiệm thay thế là ông Jeremy Hunt. Ngay lập tức, tân bộ trưởng Tài chính đã đảo ngược gần như toàn bộ gói chính sách của bà Truss, bao gồm loại bỏ hầu hết khoản cắt giảm thuế, trợ cấp năng lượng, cũng như lời hứa không cắt giảm chi tiêu công.

Thu tuong Truss anh 4

Ông Boris Johnson, vị cựu thủ tướng phải từ chức giữa bê bối trong tháng 9, được cho là đang cân nhắc ý định quay lại ghế lãnh đạo chính phủ Anh. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Hunt được cho là sẽ tìm cách thúc đẩy giảm nợ công trong bản kế hoạch tài khóa trung hạn sẽ được công bố vào ngày 31/10. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể bị trì hoãn vì cuộc đua tìm người thay thế bà Truss - người vừa từ chức hôm 20/10.

Nếu mọi việc diễn ra đúng ý định của ông Hunt, hầu hết giới phân tích cho rằng nội dung bản kế hoạch công bố ngày 31/10 sẽ có nhiều biện pháp “rùng mình” để cắt giảm chi tiêu công, theo Guardian.

Theo đó, các khoản trợ cấp có thể chỉ được tăng dưới mức lạm phát, trong bối cảnh mức sống của các hộ gia đình có nguy cơ bị giảm mạnh nhất trong 50 năm.

Khi bà Truss tuyên bố từ chức hôm 20/10, thị trường đã phản ứng bằng một đợt tăng yếu ớt và ngắn ngủi, theo New York Times. Thay vào đó là những câu hỏi vô định về nhà lãnh đạo mới, cũng như các chính sách mới.

“Đây là một bước nhảy vào vùng chưa ai khám phá”, Antoine Bouvet, một chiến lược gia về lãi suất của ING, nói với New York Times.

Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu từ chức Thủ tướng Liz Truss đã đưa ra tuyên bố từ chức vào ngày 20/10, bên ngoài văn phòng làm việc tại số 10 phố Downing. Bà là nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ ngắn ngủi nhất lịch sử nước Anh.

Giọt nước tràn ly trước tuyên bố từ chức của thủ tướng Anh

Nhiều nghị sĩ cho biết các sự kiện diễn ra trong phiên họp tại Quốc hội Anh hôm 19/10 là "giọt nước tràn ly", dẫn đến việc Thủ tướng Liz Truss tuyên bố từ chức, theo Guardian.

Ai sẽ thế chân bà Truss

Các ứng cử viên hàng đầu thay thế bà Liz Truss làm thủ tướng Anh bao gồm những nhân vật chủ chốt trong nội các của bà, cũng như đối thủ cũ trong cuộc đua lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm