Thông tin trên được TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2014: vấn đề và giải pháp cho doanh nghiệp” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, diễn ra ngày 21/2 tại TP.HCM. Trong bài nói chuyện của mình, TS. Lê Xuân Nghĩa băn khoăn khi cho biết tăng trưởng tín dụng vẫn xoay quanh 11 - 12%, nếu trừ đi lạm phát, trừ đi lãi nhập vào gốc, trừ đi những khoản tăng “giả tạo” thì tăng trưởng ròng của tín dụng đạt rất thấp. Điều này không đủ kích hoạt khu vực tư nhân và doanh nghiệp nội địa.
Thị trường bất động sản vẫn còn phải “dựa dẫm” vào các gói hỗ trợ của Chính phủ. |
“Vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là tập trung xử lý nợ xấu và phục hồi thị trường bất động sản”, ông Nghĩa bình luận. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, ba nhiệm vụ then chốt nhất mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết ngay trong quý I/2014 là tập trung xử lý nợ xấu để phá băng tín dụng, từng bước xây dựng nền tài chính vững mạnh; cải cách doanh nghiệp Nhà nước để tạo sức lan tỏa trong đầu tư và phục hồi thị trường bất động sản.
Về xử lý nợ xấu và phá băng tín dụng, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, những bất ổn về tài chính - tiền tệ trong thời gian qua nguyên nhân số một là do chúng ta không có tiền. “Do đó, chúng ta phải có sức mạnh tiền tệ, sức mạnh tài chính mà cái này chúng ta còn yếu”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.
Vậy vấn đề đặt ra là Chính phủ lấy tiền ở đâu để xử lý nợ xấu? Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ buộc phải thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn dòng tiền từ bên ngoài, từ các nguồn lực xã hội, đặc biệt là các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư nước ngoài. “Nếu dùng tiền từ Ngân hàng Trung ương thì đồng nghĩa với rủi ro về tiền tệ, ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng và chúng ta buộc phải chấp nhận tăng trưởng ở mức trung bình trong vòng vài năm nữa”, TS. Nghĩa cảnh báo.
Đối với nhiệm vụ cải cách doanh nghiệp Nhà nước, đến thời điểm này Chính phủ đã chuẩn bị gần như đầy đủ cơ sở pháp lý cho cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, do đụng chạm đến lợi ích nên vẫn còn không ít trở ngại. “Nhưng lần này Chính phủ rất cương quyết để nhà đầu tư thấy rằng Việt Nam nói được, làm được”, TS. Lê Xuân Nghĩa thông tin.
Về giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết cơ quan chức năng đang cân nhắc thành lập gói tín dụng có thể lên tới trên 100.000 tỷ đồng (do ngân hàng Xây dựng chủ trì phối hợp với 4 ngân hàng thương mại khác) tập trung vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và những người có thu nhập trung bình với đối tượng ưu đãi được mở rộng để mua nhà.
Tất nhiên, gói hỗ trợ này sẽ phải khắc phục các nhược điểm của gói hỗ trợ 30.000 tỷ như cân bằng lợi ích giữa các bên (Nhà nước, doanh nghiệp, khách hàng); tạo ra khuôn khổ người tiêu dùng rộng rãi hơn; tăng thời hạn cho vay (có thể 15 năm); giảm lãi suất tối đa và đặc biệt là giá phải thấp.