Ngày tang lễ của ông Park Won Soon hôm 13/7 cũng là thời điểm cô thư ký quyết định lên tiếng công khai, kêu gọi cuộc điều tra về nhiều năm trời chịu đựng bị quấy rối tình dục bởi người sếp cũ; qua đó hy vọng xã hội cùng chung tay xây dựng một thế giới, “nơi phụ nữ được đối xử như con người”.
Nỗi ám ảnh bị quấy rối
“Tôi bất lực và yếu ớt trước thế lực của ông ấy”, nữ thư ký giấu tên viết trong thông báo chia sẻ tới công chúng.
“Tôi muốn hét vào mặt ông ấy tại một phiên toà an toàn, bảo ông ấy phải chấm dứt ngay. Tôi muốn khóc vì ông ấy làm tổn thương tôi quá nhiều”.
Tang lễ của cố thị trưởng Seoul Park Won Soon diễn ra ngày 13/7. Ảnh: Getty. |
Kim Jae Ryeon, thư ký của bị hại, nói nữ nạn nhân tìm đến văn phòng của cô vào ngày 12/5. Tại đây, cô kể việc bị Thị trưởng Park quấy rối ngay chính trong phòng làm việc.
Sự việc tái diễn ở phòng nghỉ kế bên. Ông Park cố ép cơ thể của mình sát vào người cô thư ký, trong khi tay vẫn cầm điện thoại chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc.
Trong diễn biến khác, ông Park được cho là đã gọi cô thư ký vào phòng nghỉ, yêu cầu cô ôm ông ta.
Hành động phổ biến hơn, và thường xảy ra lúc đêm muộn, là những bức ảnh ông Park chỉ mặc đồ lót được gửi tới Telegram của cô thư ký.
“Có một lần ông ta nhìn thấy vết bầm trên đầu gối của thân chủ tôi, ông ấy đã liếm nó và nói cách này có thể làm lành vết thương”, nữ luật sư cho biết.
Theo vị luật sư, cô thư ký đã trình cho cảnh sát một số bằng chứng có thể dùng buộc tội ông Park.
Người bị hại cho biết cô từng muốn tha thứ tội lỗi của ông Park chứ không muốn dồn ép ông vào bước đường tự sát. “Tôi chỉ muốn ông ấy bị phán quyết ở toà, rồi xin lỗi tôi như giữa người với người”.
Tuy nhiên, ông Park như không cảm nhận được suy nghĩ của cô thư ký. Một ngày sau khi nhân viên của ông đến đồn cảnh sát để tố cáo, người đàn ông quyền lực thứ 2 ở Seoul, chỉ sau tổng thống, quyết định tự kết liễu cuộc đời.
Trong thư tuyệt mệnh, ông Park không nhắc gì về những cáo buộc, chỉ vỏn vẹn rằng “Tôi xin lỗi mọi người”.
Gia đình của cố thị trưởng Park thì kêu gọi giới truyền thông không chỉ đưa thông tin một chiều từ phía người tố cáo mà chưa kiểm chứng.
Song song đó, một làn sóng chế nhạo phát sinh trong cộng đồng mạng ở Hàn Quốc. Họ cố gắng tìm kiếm danh tính của cô thư ký, đổ lỗi cho cô là nguyên nhân khiến vị thị trưởng tìm đến cái chết.
Bà Kang Nan Hee, vợ của cố thị trưởng Park, tại đám tang chồng. Ảnh: Reuters. |
Điều này khiến cô thư ký lo lắng và bất an.
Khi chứng kiến hàng trăm người đội mưa đến đưa tang ông Park hôm 13/7, cùng những chiến dịch trên mạng cố gắng bóp méo động cơ của nạn nhân, “Tôi tự hỏi rồi mình sẽ tiếp tục sống như thế nào”.
Nỗ lực đưa ra ánh sáng
Theo quy trình tố tụng hình sự Hàn Quốc, vụ việc phải đóng lại do nghi phạm đã chết, và sẽ không có bản án nào được tuyên.
Tuy nhiên, luật sư của cô và các nhà hoạt động nữ quyền không chịu khép lại vụ việc. Ngày 13/7, tức ngay hôm diễn ra tang lễ của vị cố thị trưởng, họ kêu gọi chính quyền mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ các cáo buộc.
“Những gì đã xảy ra không thể cứ thế mà trôi đi chỉ vì nghi phạm không còn. Bước đầu tiên để phục hồi nhân quyền của nạn nhân chính là làm sáng tỏ sự thật”, Go Mi Kyeong, Chủ tịch Hội đường dây nóng phụ nữ Hàn Quốc, nói.
Tổ chức của bà Go là một trong những nhóm hoạt động mà cô thư ký cầu viện sự hỗ trợ sau khi đến đồn cảnh sát tố cáo.
Bà Go cùng các nhóm hoạt động yêu cầu cảnh sát phải công khai những gì họ đã điều tra đến nay. Cảnh sát đã lấy lời khai của nạn nhân cùng luật sư trong gần 10 tiếng liền cho đến rạng sáng ngày 9/7, thời điểm trước khi thị trưởng Park tự sát.
Các nhóm hoạt động bảo vệ nữ quyền ở Hàn Quốc yêu cầu nhà chức trách phải tiếp tục làm rõ về vụ quấy rối tình dục gây chấn động này. Ảnh: NYT. |
Bà Go cũng đòi Toà thị chính Seoul phải mở cuộc điều tra, vì sao cơ quan này liên tục bác bỏ các đơn khiếu nại bị quấy rối tình dục của cô thư ký đệ trình trước đây.
“Khi nạn nhân cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ thì các quan chức ở đó chỉ muốn bảo vệ ông thị trưởng, nói rằng ông ấy sẽ không bao giờ làm chuyện này, hoặc bảo cô ta chỉ nên xem như sơ suất nhỏ. Đây là một điển hình trong các vụ tấn công tình dục, khi nạn nhân phải đối mặt với cường quyền và bị ngăn chặn lên tiếng”, Lee Mi Kyeong, Giám đốc Trung tâm giải cứu bạo hành tình dục Hàn Quốc, nói.
Toà thị chính Hàn Quốc chưa đưa ra phản hồi trước yêu cầu mở cuộc điều tra nội bộ.
Những năm qua, ngày càng nhiều phụ nữ mạnh dạn lên tiếng về quấy rối tình dục, như được tiếp sức từ phong trào toàn cầu. Những người bị tố cáo ở khắp các lĩnh vực trong xã hội, từ đạo diễn sân khấu, chính trị gia, giáo sư đại học, chức sắc tôn giáo, cho đến huấn luyện viên đội tuyển quốc gia.
Nhiều người trong số này đã thừa nhận và xin lỗi công khai, rồi từ chức. Một số người thậm chí phải đối mặt với cáo buộc hình sự.
Trong số các nghi phạm, cố thị trưởng Park dường như là người có sức ảnh hưởng và quyền lực nhất. Vốn là một luật sư nổi tiếng về nhân quyền, ông đã thắng trong phiên toà đầu tiên của Hàn Quốc về quấy rối tình dục.
Năm 2018, ông tái đắc cử chức thị trưởng Seoul nhiệm kỳ 3. Ông cam kết xây dựng thành phố 10 triệu dân trở thành nơi an toàn cho phụ nữ.
Cái chết đột ngột của ông Park khiến dư luận xã hội chia rẽ. Nhiều người than khóc trên mạng về sự ra đi quá sớm của một luật sư nhân quyền nổi tiếng nhất đất nước, đặt nền tảng cho phong trào xã hội sôi động như ngày nay. Tuy nhiên, không ít ý kiến lên án ông là “đạo đức giả”.
Và trong số hàng trăm quan chức chính trị cùng chức sắc tôn giáo đã đến viếng ông những ngày qua, nhiều nghị sĩ và các nhà hoạt động nữ quyền tuyên bố tẩy chay hành động này.