Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gỗ Việt sẽ gặp rắc rối với TPP

Ngành gỗ đang cần một chính sách hoạt động tương thích với quy định của các thị trường khi hội nhập nhưng mỗi đơn vị lại làm theo một kiểu.

Theo Báo cáo nghiên cứu Thực trạng và giải pháp chính sách cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), có quá nhiều rủi ro mà các doanh nghiệp (DN) ngành xuất khẩu đồ gỗ Việt đang đối mặt.

Go Viet se kho voi TPP anh 1
Ngành gỗ đang gặp những khó khăn về nguồn gốc gỗ nguyên liệu. Ảnh: K.Toàn

Theo ông Tô Xuân Phúc, người có kinh nghiệm nghiên cứu ngành này, rất nhiều vấn đề có thể đẩy các DN xuất khẩu gỗ Việt rơi vào tình hình khó khăn. Hiện nay, quá trình hoạt động của ngành đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhất là nguồn gốc gỗ nguyên liệu không rõ ràng. Các loại gỗ nhập khẩu từ Lào, Campuchia khi xuất khẩu luôn bị cảnh báo về tính pháp lý nguồn nguyên liệu.

Nguyên do là trong tiến trình khai thác, chế biến và xuất khẩu gỗ của Lào, Campuchia còn nhiều tranh cãi, nên khi nhập khẩu vào Việt Nam dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề cho các DN sử dụng để sản xuất thành phẩm xuất khẩu. Theo thống kê, năm 2015, ngành gỗ Việt Nam đã nhập 4,8 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trị giá 1,7 tỷ USD từ 70-90 quốc gia, với 150-160 loại gỗ các loại.

Cũng theo ông Phúc, ngay như gỗ cao su khai thác trong nước, hiện tại việc xác định nguồn gốc cũng chưa chặt chẽ. Bộ Nông nghiệp cần có kế hoạch cụ thể để đáp ứng cho vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ cao su khai thác trong nước. Bởi gỗ cao su là một trong những thế mạnh của ngành gỗ Việt Nam.

Theo số liệu mà nhóm nghiên cứu tiếp cận từ ngành Hải quan, nhiều loại gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam không có khai báo tên. Trong khi Luật Lacey của Hoa Kỳ đã có hiệu lực từ 2008 quy định phạt tiền và cả bỏ tù những người vi phạm.

Kết quả mà Báo cáo nghiên cứu về Thực trạng và giải pháp chính sách cho ngành gỗ thu thập được kết quả rất đáng buồn, có đến 70% DN cho biết đang tham gia xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ vẫn chưa áp dụng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, 20% DN xuất vào EU và 10% xuất vào Úc cũng có chung câu trả lời như vậy.

Một rủi ro nữa là tính pháp lý nguồn nguyên liệu, DN sẽ đối mặt thêm với việc không nắm thông tin các quy định của từng thị trường. Nhiều DN cho rằng, họ không kiểm soát được thị trường xuất khẩu do chỉ tập trung bán hàng cho đối tác, sản xuất theo yêu cầu của đối tác. Đây sẽ là vấn đề ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển bền vững của chính các DN và toàn ngành.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ Tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cũng công nhận mặt yếu của các DN trong ngành. Theo ông, lợi thế về nhân công giá rẻ sẽ dần bị thu hẹp trong tương lai, đến lúc không thể cạnh tranh bằng giá lao động thì năng suất sẽ là yếu tố thay thế. Ngoài chất lượng sản phẩm, các DN cần quan tâm đến năng suất lao động.

Với quá nhiều bất cập, rủi ro cho ngành xuất khẩu đồ gỗ, theo ông Phúc, các nguyên nhân xuất phát từ vấn đề chính sách thiếu sự đồng bộ. Hiện tại, các ngành từ trồng rừng, chế biến, xuất khẩu vẫn tương đối hoạt động độc lập với nhau. Chưa có một chính sách mang tính kết nối, xâu chuỗi các khâu lại với nhau tạo thành chuỗi sản xuất mang tính thống nhất. 


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm