Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) vừa thông báo đã thanh toán xong nợ đối với Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) trong ngày 20/12, là khoản nợ ngân hàng cuối cùng. Hiện TTF đã sạch nợ với ngân hàng và tín dụng trở lại bình thường.
Đây là một hoạt động cơ cấu mang tính bản lề cho "vua gỗ" một thời này. Chủ tịch HĐQT Mai Hữu Tín trong cuộc họp cổ đông gần nhất cho biết khi thoát được nợ xấu sẽ chơi cuộc chơi hoàn toàn khác vì có quyền vay nợ với mức lãi suất thấp.
"Sau khi trả nợ xong sẽ xóa tên Gỗ Trường Thành khỏi doanh nghiệp có nợ xấu. Khi doanh nghiệp bắt đầu làm ăn có lãi, không bị âm vốn chủ sở hữu và không có nợ xấu, Gỗ Trường Thành có thể vay thương mại bình thường và nhất là vay ngoại tệ với lãi suất thấp", ông Tín chia sẻ.
Gỗ Trường Thành đã có thể vay thương mại bình thường dưới thời ông Mai Hữu Tín. |
Gỗ Trường Thành từng là một doanh nghiệp đầu ngành sản xuất gỗ khi liên tục thâu tóm các nhà máy lớn để mở rộng địa về phía Nam. Tuy nhiên việc đầu tư mạnh bằng vay nợ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2010 khiến vua gỗ bắt đầu rơi vào khủng hoảng, ngân hàng bắt đầu siết nợ đã gây áp lực lớn lên dòng tiền.
Những hoạt động tái cơ cấu của dàn lãnh đạo cũ đổ bể khi bê bối hàng tồn kho xuất hiện vào năm 2016 do kiểm kê thiếu hụt gần 1.000 tỷ đồng, cổ phiếu lao dốc và cổ đông lớn thay đổi thế chỗ
Tháng 5/2016, Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (thuộc Vingroup) quyết định chi ra 1.800 tỷ thâu tóm 49,9% vốn Gỗ Trường Thành từ nhóm sáng lập, tuy nhiên nhanh chóng rút lui sau bê bối hàng tồn kho. Sau đó Công ty Xây dựng U&I của đại gia Mai Hữu Tín bắt đầu gom cổ phiếu TTF để bắt đầu công cuộc giải cứu.
Nhóm cổ đông của ông Mai Hữu Tín tiếp nhận lại doanh nghiệp từ năm 2016 với rất nhiều hệ lụy từ ban lãnh đạo cũ. Gỗ Trường Thành không chỉ dính các bê bối về hàng tồn kho (chủ yếu là gỗ kém chất lượng), lỗ lũy kế sau kiểm toán lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngân hàng đã không cho vay thương mại nhiều năm nên nguồn vốn chủ yếu từ hoạt động kinh doanh và được cấp từ các cổ đông, chủ nợ khác.
Do vậy trong kỳ đại hội cổ đông 2021, ban lãnh đạo Gỗ Trường Thành đã xin ý kiến về phương án chào bán gần 59,5 triệu cổ phiếu theo mệnh giá để thu về gần 595 tỷ đồng, đây là cổ phiếu ưu đãi cổ tức cố định 12%/năm. Doanh nghiệp sẽ trích 160 tỷ đồng từ nguồn thu này nhằm trả nợ gốc và lãi cho DongABank.
Thực tế trong tháng 10 vừa qua, công ty đã hoàn tất đợt phát hành với số cổ phiếu phát hành đạt 100% số lượng cổ phiếu chào bán, qua đó có nguồn tiền để trả hết nợ gốc và lãi đã quá hạn cho ngân hàng.
Ông Mai Hữu Tín từng chia sẻ sau khi xóa được nợ xấu sẽ bước sang cuộc chơi mới, cuộc chơi mà 1 tỷ USD là con số thấp nhất. Tham vọng đưa Gỗ Trường Thành bước vào thập kỷ nhảy vọt lên thành doanh nghiệp gỗ hàng đầu ASEAN, nhất là thị trường đồ gỗ nội thất.
Cổ phiếu TTF lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2016. Đồ thị: TradingView. |
Theo báo cáo kinh doanh 9 tháng đầu năm, vua gỗ này ghi nhận doanh thu thuần giảm 61% so với cùng kỳ còn 106 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gần 22 tỷ đồng, giảm 42% do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Năm 2021, cổ đông đặt kế hoạch doanh thu 2.025 tỷ đồng và có lãi trước thuế 59 tỷ đồng. Với kết quả đạt được từ đầu năm, công ty mới thực hiện được 18% chỉ tiêu lợi nhuận và gần 55% mục tiêu doanh thu năm.
Dù đã có kết quả khả quan nhưng hoạt động của Gỗ Trường Thành vẫn rất khó khăn do hậu quả của giai đoạn trước. Công ty còn lỗ luỹ kế gần 3.042 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp âm 552 tỷ đồng vào cuối quý III. Kiểm toán cũng nêu ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
Những tín hiệu phục hồi về kinh doanh và cơ cấu nợ đang giúp định giá doanh nghiệp khả quan hơn. Cổ phiếu TTF kết phiên hôm nay tăng trần lên mức 12.900 đồng/cổ phiếu, tăng gấp đôi so với đầu năm và là mức cao nhất kể từ tháng 8/2016 đến nay. Giá trị vốn hóa đã tăng lên gần 4.800 tỷ đồng.