Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn là câu chuyện được nói đến ở nhiều diễn đàn kinh doanh lớn nhỏ. Bất lợi trong việc tiếp cận vốn đã khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mất đi các cơ hội kinh doanh tiềm năng. Tuy nhiên, ngày càng có thêm những kênh dẫn vốn mới cho khối doanh nghiệp này, đặc biệt là bằng hình thức tín chấp.
Vượt trở ngại vốn
Mới đây, đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý, cũng là Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương đã gửi một văn bản kiến nghị liên quan đến vấn đề cho vay tín chấp lên Quốc hội với mong muốn giải quyết khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày 8/7, tại Singapore, Tạp chí Asian Banking and Finance (ABF) đã trao tặng VPBank (Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng) giải thưởng “Ngân hàng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tốt nhất Việt Nam 2015”. |
Theo ông Quý, vay tín chấp là biểu hiện của sự tiến bộ trong lĩnh vực kinh doanh và ở nước ngoài, tỷ lệ cho vay tín chấp có thể lên tới 80% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, ở nước ta, cho vay tín chấp đã được triển khai nhưng chưa nhiều và chưa sâu rộng. Đến nay, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đã được thông thoáng hơn, nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng ngân hàng thừa tiền, còn doanh nghiệp thiếu vốn.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh việc cho vay vốn ra thị trường, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay tín chấp.
Giải pháp này tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy hình thức cho vay này.
Trong khi đó, tại cuộc tọa đàm “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp” được Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết có tới 30% doanh nghiệp “không thể tiếp cận” với nguồn vốn của ngân hàng và 30% doanh nghiệp khác cho biết “khó tiếp cận”. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ, cũng chỉ có 5 - 10% số doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn. Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay theo các quy định của pháp luật hiện hành thì không cấm các tổ chức tín dụng cho vay tín chấp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cho vay tín chấp chưa được nhiều một phần do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, một số doanh nghiệp năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh đề nghị vay vốn.
Để tăng cường cho vay tín chấp, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm hoạt động của khách hàng từ các tổ chức hoạt động chính thức như Trung tâm thông tin tín dụng Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp… kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Ngân hàng chủ động nhập cuộc
Trong bối cảnh hoạt động cho vay tín chấp còn hạn chế, vẫn có một số ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh hoạt động này, như trường hợp Ngân hàng VPBank.
Theo một lãnh đạo ngân hàng này, phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ được xác định là một phân khúc doanh nghiệp trọng điểm của VPBank và ngân hàng này đang có tham vọng trở thành ngân hàng được lựa chọn hàng đầu bởi các khách hàng doanh nghiệp doanh nghiệp vừa và nhỏ. VPBank bắt đầu thí điểm dòng sản phẩm cho vay tín chấp doanh nghiệp vào năm 2014 và chính thức triển khai vào đầu năm 2015.
Cho tới thời điểm hiện nay, đây là dòng sản phẩm cho vay có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong danh mục sản phẩm cho vay doanh nghiệp của VPBank, tăng trưởng 120% so với cuối năm 2014. “VPBank đặt mục tiêu sẽ phân phối sản phẩm này đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng tốt mà thông thường không thể tiếp cận vốn vay của ngân hàng. VPBank cũng kỳ vọng tỷ trọng dòng sản phẩm này sẽ chiếm một tỷ trọng nhất định trong tổng danh mục cho vay”, một lãnh đạo VPBank cho biết.
Ngân hàng VPBank có các giải pháp linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp . |
Sản phẩm cho vay tín chấp doanh nghiệp không phải là sản phẩm mới nhất về tín chấp doanh nghiệp của VPBank. Trước đó, cũng trong năm 2014, VPBank đã đưa ra thị trường gói tín dụng thông minh, kết hợp mô hình giữa tín chấp và thế chấp bằng việc chấp nhận đa dạng các loại tài sản bảo đảm như hàng hóa, quyền đòi nợ… Sau thử nghiệm này, VPBank đã tiếp tục cung cấp giải pháp tín chấp toàn diện, áp dụng cho một số ngành kinh doanh đặc thù.
Theo ông Phan Văn Quý, để thúc đẩy hình thức cho vay tín chấp, cần sự hài hòa từ cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp để có thể có cách tiếp cận phù hợp, xây dựng lòng tin, để hướng tới các tiêu chí cho vay tín chấp theo thông lệ quốc tế.
Chẳng hạn, khách hàng phải có uy tín cao, có phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính lành mạnh, nhân sự ổn định và ngân hàng quản lý dòng tiền chặt chẽ cho từng món vay. Còn theo đại diện của VPBank, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ, vay tín chấp là một trong các hoạt động hiện thực hóa cam kết “Đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ” của VPBank trong năm 2015. Nhờ vậy, khách hàng tăng khả năng chủ động cân đối tài chính và hoạt động kinh doanh một cách linh hoạt trong suốt thời gian vay vốn tại VPBank.