Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Hải An |
- Singapore không phải bên liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông. Ông nhận định thế nào về việc Singapore đồng ý cho Mỹ đưa máy bay để tuần thám Biển Đông?
- Singapore không liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông nhưng nước này có lợi ích quốc gia sống còn khi Biển Đông không bị một nước nào thống trị, cũng như các tuyến đường biển đi qua Biển Đông được an toàn và an ninh.
Việc Singapore thỏa thuận cho phép các máy bay do thám của Mỹ, bao gồm máy bay P-8 Poseidon, luân phiên đến nước này là sự tiếp nối trong các chính sách ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
- Theo ông, Singapore đã toan tính gì với động thái mới nhất này, đặt trong bối cảnh những hoạt động cải tạo, bồi lấp đảo và ý đồ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông?
- Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và đường băng ở Biển Đông dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đang xây dựng sức mạnh quân sự ngay trước cửa ngõ của Singapore. Điều này sẽ khiến Singapore không có nhiều thời gian chuẩn bị trong tình huống xung đột xảy ra.
Do vậy, nước này quan tâm đến việc giữ những đối thủ quân sự càng cách xa bờ biển của đảo quốc này càng tốt. Singapore có những nguyên nhân lớn hơn và quan trọng hơn về mặt chiến lược để ủng hộ Mỹ.
Một trong số này bao gồm hoạt động tình báo liên tục về tình hình Trung Quốc triển khai tàu quân sự và máy bay ở Biển Đông, bao gồm tàu ngầm hạt nhân tấn công và tàu ngầm hạt nhân chở tên lửa đạn đạo.
- Tuy quan hệ thương mại rất lớn với Trung Quốc, Singapore vẫn tăng cường xây dựng quan hệ quân sự với Mỹ. Thỏa thuận về tiếp đón máy bay P-8 sẽ ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Singapore - Trung Quốc?
Báo Straits Times hồi đầu tháng 11/2015 cho biết, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore. Thương mại hai chiều đạt 121,5 tỷ SGD vào năm ngoái. Đến đầu tháng 1/2014, Singapore lần đầu tiên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Trung Quốc, với giá trị tổng vốn đầu tư năm 2013 là 7,3 tỷ USD.
Hiện nay, Singapore đã cho phép Mỹ thành lập một cơ sở hậu cần ở nước này từ sau khi Mỹ buộc phải rút khỏi Philippines. Singapore cũng đã xây dựng một cảng để các tàu sân bay Mỹ đến neo.
Đảo quốc còn đồng ý về sự điều động luân phiên 4 tàu chiến duyên hải (LCS) của Mỹ. Máy bay P-8 chỉ là một bước tiến mới để hỗ trợ Mỹ duy trì sự tham gia cùng khu vực Đông Nam Á.
Trung Quốc biết rõ rằng họ không thể gây áp lực buộc Singapore đảo ngược quyết định. Do vậy, Trung Quốc sẽ không có hành động nào gây ảnh hưởng đến quan hệ với Singapore.
- Mỹ sẽ đạt được những lợi thế nào từ thỏa thuận với Singapore trong hoạt động tuần thám ở Biển Đông?
- Tôi cho rằng, Mỹ sẽ có thể tiến hành những hoạt động giám sát đều đặn hơn, thu được những thông tin đắt giá về việc triển khai và hoạt động của các máy bay, tàu quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này giúp Mỹ có những cảnh báo sớm về bất kỳ hành vi hung hăng nào của Trung Quốc, từ đó họ có thể đưa ra phản ứng nhanh hơn.
Việc Mỹ luân phiên hiện diện ở Philippines đang vấp phải rào cản từ Tòa án tối cao Philippines. Trong trường hợp tòa án tuyên bố Thỏa thuận hợp tác quốc phòng mở rộng Philippines - Mỹ là vi hiến, Mỹ vẫn có thể tiếp tục hoạt động ở Biển Đông từ căn cứ tại Singapore. Mỹ có thể trông cậy rằng Singapore sẽ tuân thủ những cam kết của nước này về việc cho phép máy bay Mỹ hoạt động lâu dài ở căn cứ không quân Pava Labar.
Sau đó, Mỹ có thể bổ sung một số quốc gia Đông Nam Á vào mạng lưới chia sẻ thông tin trực tiếp nhằm giúp các nước này nắm thông tin chính xác và kịp thời về những tàu quân sự, bán quân sự, tàu thường dân, máy bay Trung Quốc đang làm gì trên Biển Đông. Điều này sẽ nâng cao vị thế của Mỹ trong khu vực?
- Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào với thỏa thuận mới nhất của Mỹ và Singapore? Liệu Trung Quốc sẽ cản trở hoạt động của P-8?
- Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối những chuyến bay do thám của Mỹ trên Biển Đông tương tự những lần trước đây. Tuy nhiên, nước này không có khả năng để thực hiện một cuộc ngăn chặn trên không ở phía nam Biển Đông. Mỹ và Trung Quốc cũng có thể sẽ tìm ra cách để giảm căng thẳng.
Theo tôi, Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối và thực hiện chiến dịch truyền thông cáo buộc rằng Mỹ là nguồn gốc của sự bất ổn định, từ đó chuyển hướng sự chú ý ra khỏi những hoạt động xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của nước này trên đảo nhân tạo.
Giáo sư Carl Thayer là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng. Ông được biết đến trên phạm vi quốc tế qua các nghiên cứu và xuất bản ấn phẩm về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ông hiện là chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia.