Hoa hồng Valentine đắt đỏ
Mùa Valentine 2014, thị trường hoa tươi xuất hiện khá nhiều sản phẩm từ 10-22 triệu đồng/bó, được gói từ các loại hoa nhập khẩu trực tiếp tại Hà Lan, Nhật Bản, Ecuador, Anh… Hoa hồng xanh, hồng bảy màu, hồng bất tử... cũng được săn mua nhiều, dù giá cao gấp hàng chục lần so với sản phẩm thường, dao động từ 200.000 đồng đến tiền triệu.
Ngoài hoa hồng, vé xem phim cũng là mặt hàng tăng bất thường trong ngày 14/2. Cầu cao trong khi cung hạn chế khiến nhiều người buộc phải mua vé từ cò, với mức chênh so với giá niêm yết từ 2 - 3 lần. Tình trạng cháy vé trước suất chiếu một vài tiếng xuất hiện ở hầu hết các rạp phim tại trung tâm Hà Nội.
Giường 7 tỷ của Công tử Bạc Liêu
Ông Nguyễn Minh Hùng (58 tuổi, ngụ phường 7, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đang sở hữu khoảng 3.000 cổ vật với tổng trị giá hơn 100 tỷ đồng, trong đó có nhiều chiếc giường trước đây thuộc sở hữu của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (thường gọi là Hắc Công tử), có người hỏi mua với giá 7 tỷ đồng/chiếc. Mức giá này cao hơn siêu giường mới được đại gia Lê Ân mua từ châu Âu và chuyển về Việt Nam bằng máy bay.
Chiếc giường có chiều dài 2,5 m, rộng 2 m, được đóng bằng gỗ sưa (huỳnh đàn). Toàn bộ giường được khắc cẩn xà cừ với nhiều hoa văn tinh xảo. Trên mỗi chiếc giường cổ này cẩn đến 30 kg ốc xà cừ (giá thị trường hiện khoảng 200 triệu đồng/kg). Như vậy, tính riêng tiền ốc dùng để cẩn chiếc giường đã lên đến 6 tỷ đồng.
Giường của Công tử Bạc Liêu đặc biệt ở chỗ được phân ra làm giường nóng và giường lạnh. Mặt giường nóng gồm 3 miếng gỗ giáng hương ghép lại, được dùng để ngủ vào mùa đông, còn giường lạnh có lót miếng đá cẩm thạch lớn, nên dùng ngủ vào mùa hè nóng nực.
Thịt trâu chọi thua: bán 500.000 đồng/kg vẫn lỗ
Để chăm sóc một chú trâu chọi, nhiều gia đình đã phải chi gần 150 triệu đồng tiền giống, thức ăn, người chăm sóc và chuồng trại. Giá một con trâu chọi tốt thường trên 60 triệu đồng, tiền mua cỏ voi, ngô làm thức ăn khoảng 6 triệu đồng/tháng, công lao động chăm sóc 100.000 đồng/ngày.
Kết thúc hội chọi trâu, hầu hết trâu đều được mang ra thịt và bán thu hồi vốn. Trâu chọi thua chỉ được bán giá cao nhất khoảng 500.000 đồng/kg, nếu bán hết cả thịt, thủ, xương cũng chỉ thu về ngót nghét 100 triệu đồng, lỗ gần 50 triệu. Tuy nhiên, trâu thắng sẽ lãi lớn, ngoài phần thưởng, giá thịt có thể lên tới 2 triệu đồng/kg, mang lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng cho chủ nuôi.
Tạo bọt cà phê bằng hóa chất sản xuất xà phòng
Theo tiết lộ của một người có thâm niên chế biến cà phê bán sỉ tại Bình Dương, công thức đầy đủ để cho ra thứ bột gọi là “cà phê” bao gồm: chất tạo hương chocolate (có giá khoảng 280.000 đồng/kg), N2 (chất tạo hương cà phê), men (chất tạo hương caramen), đường hóa học, chất tạo màu, sữa đục, sữa béo, bơ, muối, CMC (chất tạo bọt, được dùng làm xà phòng) và đậu nành. Chỉ với 480kg đậu nành, loại đậu xuất xứ từ Mỹ hoặc đậu Miên đỏ, cùng với một số phụ gia hóa chất là có thể cho ra 500kg cà phê hảo hạng mà tỷ lệ cà phê thật là 0%.
Trong số hóa chất đó, CMC - chất được dùng để sản xuất xà phòng, được dùng để tạo bọt cho cà phê có nguy cơ gây ung thư cao nhất. Cùng với CMC là chất tạo màu, chất tạo hương vị cà phê có mức độ độc hại không kém. Chất tạo màu có màu đỏ tươi, có độ bám dính rất cao, phải nhiều ngày sau mới phai dần. Những loại hóa chất này được khẳng định đặt mua kín đáo tại chợ hóa chất Kim Biên (TP.HCM).
Tách khỏi VNPT và cái giá cho sự tự do của MobiFone
VNPT dự kiến sẽ tách MobiFone ra khỏi tập đoàn và sau đó thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, MobiFone sẽ ra đi cùng với một số doanh nghiệp mà VNPT đang nắm giữ cổ phần và làm ăn kém hiệu quả, với con số thua lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng.
Một lãnh đạo cấp cao của VNPT tiết lộ, MobiFone tách riêng không thôi thì khoản lợi nhuận chiếm gần 80% của VNPT cũng sẽ ra đi theo. Cùng với những công ty đi kèm, MobiFone sẽ trở thành một tổng công ty kinh doanh đa dịch vụ chứ không đơn thuần là thông tin di động như trước.
Việc để cho "con gà đẻ trứng vàng" này ra đi được xem là tổn thật lớn nhưng có lỗi từ chính VNPT. “Nếu như trước đây VNPT cổ phần hóa MobiFone (từ năm 2005) thì giờ mọi chuyện đã khác. Việc không chịu cổ phần hóa theo đúng quy định của Nhà nước đã khiến VNPT phải chịu hậu quả ngày nay”, tiến sĩ Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) chia sẻ.