Kỳ vọng về tiến triển trong cuộc họp Thượng Hải khá thấp, vì vậy các quan chức và doanh nghiệp đang hy vọng Washington và Bắc Kinh ít nhất có thể chi tiết hóa các cam kết hướng đến các cử chỉ "thiện chí" và dọn đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Các hành động "thiện chí" bao gồm việc Trung Quốc hứa mua hàng hóa nông sản của Mỹ và Mỹ cho phép các công ty tiếp tục làm ăn với "gã khổng lồ" công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Theo Reuters, trước cuộc đàm phán tuần tới, sẽ kéo dài 2 ngày, chưa bên nào thực hiện các biện pháp nhằm thể hiện thiện chí của họ. Đó là điềm xấu cho cơ hội giải quyết các vấn đề cốt lõi trong tranh chấp thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6. Ảnh: Reuters. |
Hôm 26/7, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông nghĩ rằng Trung Quốc có thể không muốn ký một thỏa thuận thương mại cho đến sau cuộc bầu cử năm 2020 với hy vọng họ có thể đàm phán các điều khoản có lợi hơn với một tổng thống Mỹ khác.
Trong hơn một năm qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp đặt hàng tỷ USD thuế quan vào hàng nhập khẩu của nhau, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm rung chuyển thị trường tài chính.
Ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý tại hội nghị G20 tháng trước tại Osaka rằng họ sẽ bắt đầu lại các cuộc đàm phán thương mại. Việc đàm phán đình trệ hồi tháng 5, sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh từ bỏ phần lớn thỏa thuận dự thảo. Sự sụp đổ trong các cuộc đàm phán đã thúc đẩy Mỹ tăng thuế quan với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Ông Trump nói sau cuộc họp ở Osaka rằng ông sẽ không áp dụng mức thuế mới đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu cuối cùng của Trung Quốc và sẽ giảm bớt một số hạn chế của Mỹ đối với Huawei nếu Trung Quốc đồng ý mua nông sản của Mỹ.