Một nhà máy sản xuất tã ở miền Đông Trung Quốc đã chuyển đổi một số dây chuyền, sau khi nghe tin từ các quan chức rằng đất nước cần số lượng lớn khẩu trang để đối phó với virus corona chết người đang lan rộng, AFP cho biết.
Chỉ trong 2 ngày, tập đoàn New Yifa, một nhà sản xuất tã trẻ em, đã chuyển đổi dây chuyền sản xuất ở tỉnh Phúc Kiến để sản xuất khẩu trang. Họ tận dụng các vật liệu sẵn có để sản xuất sản phẩm bảo hộ.
“Tất cả công nhân chúng tôi đang đẩy mạnh sản xuất khẩu trang”, Shen Shengyuan, Phó chủ tịch tập đoàn, nói với AFP trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Ông cho biết thêm dây chuyền hiện tại có thể sản xuất 600.000 khẩu trang mỗi ngày. Công ty ông cũng đang chuyển đổi một dây chuyền khác sang sản xuất khẩu trang.
Khẩu trang không chỉ thiếu hụt ở Trung Quốc mà còn nhiều nước khác khi dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng. Ảnh: AFP. |
Các công ty trên khắp Trung Quốc, từ nhà máy sản xuất iPhone Foxcom, đến nhà sản xuất ôtô BYD, một số công ty may đã chuyển đổi dây chuyền và nguyên liệu sẵn có của họ để sản xuất khẩu trang và thiết bị bảo hộ, khi đất nước đang đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng các thiết bị y tế trong cuộc chiến với virus corona.
Virus corona chủng mới đã lây nhiễm cho hơn 60.000 người, khiến hơn 1.300 người tử vong, làm dấy lên nỗi sợ hãi trên toàn cầu và khiến người dân đổ xô đi mua các vật dụng bảo hộ, điển hình nhất là khẩu trang.
Các nhà chức trách cho biết Trung Quốc đang rất cần khẩu trang, đặc biệt là tại ổ dịch Vũ Hán, nơi các bác sĩ đang đối mặt với thiếu hụt đồ bảo hộ trầm trọng.
Ở công suất tối đa, các nhà máy ở Trung Quốc chỉ có thể sản xuất tối đa 20 triệu khẩu trang mỗi ngày. Trong khi hơn 76% nhà sản xuất khẩu trang và 77% nhà sản xuất thiết bị bảo hộ đã nối lại sản xuất từ ngày 10/2 ở 22 khu vực, tình trạng thiếu hụt khẩu trang và đồ bảo hộ vẫn còn rất nghiêm trọng, các quan chức cho biết.
Nhiều nhà máy đang chuyển đổi dây chuyền sang sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu cấp bách. Ảnh: AFP. |
Các bác sĩ ở tuyến đầu Vũ Hán, tâm bão dịch bệnh phải tiếp xúc với bệnh nhân mỗi ngày mà không có đủ đồ bảo hộ phù hợp, thậm chí họ phải tái sử dụng chúng kéo theo nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Các nhà máy đang đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, nhưng họ phải trả giá cho những đơn hàng khác. Tập đoàn New Yifa phải tạm hoãn đơn hàng trị giá 6 triệu USD để tập trung sản xuất khẩu trang.
Tuy vậy ông Shen tin rằng chính quyền thành phố Phủ Điền, nơi đặt trụ sở công ty, sẽ hỗ trợ họ trong việc vượt qua giai đoạn khó khăn, khi chuyển sang sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu cấp bách.
Tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, 14 công ty may mặc đang tìm cách sản xuất khoảng 1 triệu khẩu trang trong 20 ngày, Tân Hoa xã cho biết. Trong khi đó, nhà sản xuất ôtô BYD cho biết đang xem xét thiết kế đồ bảo hộ, khẩu trang và chất khử trùng.
BYD dự kiến sản xuất 5 triệu khẩu trang và 50.000 chai nước khử trùng vào cuối tháng này. Các công ty bắt đầu sản xuất hàng loạt vào ngày 10/2. Khẩu trang và đồ bảo hộ sẽ được chuyển đến các bệnh viện tuyến đầu, nơi dịch bệnh đanh hoành hành.
Những công ty khác tham gia sản xuất khẩu trang gồm SAIC-GM-Wuling, một liên doanh giữa General Motors và SAIC Motor tại Trung Quốc, tập đoàn dầu khí và hóa chất Trung Quốc (Sinopec).
Sinopec cho biết trong một thông báo trên Weibo vào ngày 9/2 rằng họ đang thiết lập 11 dây chuyền sản xuất với các đối tác, nhằm mục tiêu sản xuất 1 triệu khẩu trang mỗi ngày vào ngày 10/3.
Foxcom, gã khổng lồ công nghệ của Đài Loan, nơi lắp ráp các sản phẩm của Apple, cho biết họ đang sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Thâm Quyến. Nhà máy này sẽ sản xuất khoảng 2 triệu khẩu trang mỗi ngày vào cuối tháng 2. Số khẩu trang mà nhà máy sản xuất sẽ cung cấp cho công nhân của tập đoàn và có thể phân phối cho bên thứ 3.