Ngụ ngôn Trung Hoa xưa có truyện “Tái Ông thất mã”. Tái Ông bị mất ngựa, hàng xóm đến chia buồn, ông chỉ bảo “biết đâu ấy là điều may”. Một thời gian sau, con ngựa bị mất quay về và còn dẫn theo một con ngựa hoang khác, hàng xóm lại đến chia vui, ông chỉ bảo “biết đâu ấy là điều rủi". Sau đó, con trai ông cưỡi ngựa hoang, bị nó hất ngã gãy chân, hàng xóm đến chia buồn, ông lại bảo “biết đâu ấy không phải điều rủi”. Cuối cùng, binh đao nổ ra, triều đình đến làng của Tái Ông bắt lính, hết thảy thanh niên trai tráng đều phải ra trận, chỉ riêng con trai ông bị què chân nên được miễn.
Nói ngắn gọn, trong họa có phúc, và ngược lại.
Giờ đây, kinh tế đình trệ. Thương mại dịch vụ ế ẩm. Học sinh, sinh viên không phải đến trường. Người lao động hoặc bị tạm cho thôi việc, hoặc phải làm việc ở nhà. Chính quyền khuyến cáo hạn chế người dân ra ngoài (nhiều nước trên thế giới thậm chí còn đi xa hơn khi áp đặt lệnh cấm người dân ra khỏi nhà), ta bỗng nhận ra dịch bệnh Coronavirus (Covid-19) lần này đã cho ta thứ mà ta nghĩ mình luôn thiếu: Thời gian.
Tòa thánh Vatican vào một ngày ngập nắng, trước khi dịch bệnh bùng phát ở Italy. Ảnh: Đỗ Trí Vương |
Thật vậy, khi có đủ thời gian ở một mình, và nếu đủ may mắn, ta nhận ra mối quan hệ quan trọng nhất trên đời không phải là mối quan hệ với sếp, với đối tác, với người yêu, thậm chí với cha mẹ hay con cái, mà là với chính bản thân mình. Vì suy cho cùng, dẫu có dịch bệnh hay không, thì người ta dành nhiều thời gian nhất (mà có thể ta không nhận ra) là chính ta.
Nhưng trước giờ ít người nhận ra điều này, vì cái thế giới ta đang sống với nền tảng là chủ nghĩa tiêu dùng luôn khiến con người ta lao ra ngoài, chen qua nhau, giẫm lên nhau, hướng năng lượng và sự chú ý ra những vật và người bên ngoài... Nên ta không bao giờ dám tưởng tượng rằng, trong ngần ấy năm sống trên đời, ta đã bỏ bê và quên lãng người quan trọng nhất - chính ta.
Việc tự giam mình giữa bốn bức tường cũng khiến ta nhận ra nhu cầu tiêu dùng của mình để sống vui sống khỏe thật ra rất ít: Ngoài ba bữa cơm, máy tính, TV và nước máy để tắm... ta bỗng thấy túi Hermès, giày Gucci hay áo Dolce bỗng hơi thừa thãi.
Rõ ràng, nếu không phải vì nhu cầu phông bạt "lấy số" với cuộc đời bên ngoài, thì ta cần những thứ đó để làm gì? Nếu chỉ để mặc cho mình ta biết, thì áo Uniqlo với áo Lacoste khác gì nhau? Ta bỗng tự hỏi, từ khi nào ta bị mắc kẹt trong cơn điên tiêu dùng này như lũ hamster chạy trong bánh xe trượt? Không ai biết.
Tương tự, ta bỗng nhìn thấy sự bất cập của mô hình giáo dục đại học truyền thống. Tại sao phải đến khi có dịch thì các trường mới cho sinh viên học từ xa? Điều đó có nghĩa việc bắt học sinh phải hiện diện vật lý tận giảng đường là gần như vô nghĩa và gây tốn kém tài nguyên không cần thiết.
Nhờ được học và làm tại nhà, mà tôi và người thân đã bắt đầu nói với nhau về chất lượng giấc ngủ dần được cải thiện. Tuy vẫn phải ngồi vào bàn làm việc đúng 9h sáng, nhưng việc không phải tất tả trong việc di chuyển quãng đường từ nhà đến chỗ làm hoặc trường học rõ ràng tạo ra sự khác biệt.
Chưa kể, việc học và làm ở nhà đòi hỏi người tham gia phải tăng cường tính kỷ luật của bản thân – một kỹ năng tuyệt đối quan trọng. Đây là những điều tích cực có thể “mắt thấy, tai nghe” trong những giờ khắc bất thường như hiện tại.
Tất nhiên, tôi cũng như các bạn, chỉ mong dịch bệnh đợt này hết càng nhanh càng tốt. Nhưng, từ giờ tới lúc nó hết, việc đối diện với bản chất của sự kiện này và những tác động và đổi thay nó mang đến cho xã hội loài người chúng ta, rõ ràng là không thừa. Covid-19 sẽ lấy đi nhiều thói quen và hành vi cũ, và để lại cho ta những hành vi và thói quen mới.
Đêm tối mịt mùng đến mấy, rồi cũng phải nhường chỗ cho trời sáng.