Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giữa bão giá lương thực toàn cầu, Trung Quốc tìm cách ngăn lạm phát

Trung Quốc quyết liệt chống dịch dù nền kinh tế phải trả giá lớn. Nhưng mới đây, giới chức nước này cảnh báo không để việc chống dịch làm mất an ninh lương thực, đẩy giá lên cao.

Theo South China Morning Post, trong 2 ngày liên tiếp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cảnh báo các quan chức địa phương không để việc chống dịch làm gián đoạn mùa thu hoạch lúa mì.

Điều này cho thấy mối lo ngại về an ninh lương thực và nguy cơ lạm phát của Trung Quốc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Theo giới chuyên gia, nếu không có những xáo trộn về sản xuất và hậu cần, sản lượng ngũ cốc của nền kinh tế thứ 2 thế giới đang trên đà cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Điều này có thể hạ nhiệt giá lương thực quốc tế vốn đã tăng cao.

Gia ca leo thang anh 1

Trung Quốc tìm cách đảm bảo an ninh lương thực và ổn định lạm phát trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Mối lo ngại an ninh lương thực

Theo truyền thông Trung Quốc, trong một cuộc họp hôm 26/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi chính quyền các cấp "không lãng phí thời gian" để đảm bảo một vụ mùa bội thu, tránh tình trạng ngũ cốc không được thu hoạch.

"Không địa phương nào được phép dựng các trạm kiểm dịch có thể ảnh hưởng tới vụ thu hoạch, bất chấp lý do gì", ông Lý nhấn mạnh.

Một ngày trước đó, nói với 100.000 quan chức trên cả nước, ông Lý nhấn mạnh rằng an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu.

"Ngay cả khi một ổ dịch được phát hiện, hoạt động gặt hái vẫn phải tiếp diễn", SCMP dẫn lời vị lãnh đạo Trung Quốc. Theo ông, các cán bộ địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm nếu sản lượng ngũ cốc không ổn định.

Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã đưa ra những hạn chế gắt gao nhằm kiểm soát làn sóng dịch Covid-19 mới. Nước này phong tỏa hàng loạt thành phố lớn, bao gồm Thượng Hải - trung tâm tài chính 25 triệu dân, có cảng biển đông đúc nhất thế giới.

Gia ca leo thang anh 2

Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát làn sóng dịch Covid-19 mới. Ảnh: Reuters.

Vụ thu hoạch không chỉ quan trọng với mục tiêu sản lượng hàng năm đạt 650 triệu tấn của Trung Quốc, mà còn quyết định giá lương thực trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao.

Thực phẩm là thành phần chính trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc. Giá thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến giá của các hàng hóa và dịch vụ khác.

Các tổ chức trên toàn cầu liên tục cảnh báo về nguy cơ nạn đói thế giới do xung đột giữa Nga và Ukraine, 2 nhà sản xuất ngũ cốc và phân bón hàng đầu.

Bắc Kinh đã tìm cách tăng sản lượng ngũ cốc kể từ năm 2020, nhưng các hoạt động canh tác liên tục bị cản trở bởi những đợt bùng dịch mới.

"Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch Covid-19, cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh cấm xuất khẩu trên toàn cầu đã khiến giới chức Trung Quốc lo lắng", ông Darin Friedrichs - nhà sáng lập, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại Sitonia Consulting, một công ty phân tích hàng hóa có trụ sở ở Thượng Hải - bình luận.

Áp lực lạm phát toàn cầu

Các quốc gia trên hầu hết lục địa đưa ra những hạn chế và lệnh cấm mới với các sản phẩm từ lúa mì, ngô, dầu ăn đến đường. Theo tính toán của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, giá lương thực toàn cầu tháng 4 đã cao hơn 30% so với một năm trước đó.

Ấn Độ vừa cấm xuất khẩu lúa mì sau khi giá ngũ cốc trong nước tăng vọt. Ấn Độ là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới. Nhu cầu nhập khẩu lúa mì từ nước này tăng lên sau khi nguồn cung của khu vực Biển Đen sụt giảm vì xung đột Nga - Ukraine. Ai Cập, Kazakhstan, Kosovo và Serbia cũng đã cấm xuất khẩu mặt hàng này.

“Lệnh cấm của Ấn Độ sẽ nâng giá lúa mì toàn cầu. Hiện, không còn nước cung cấp lớn nào trên thị trường”, một chủ đại lý lúa mì giấu tên nói với CNBC.

Nếu sản lượng lúa mì của Trung Quốc ổn định, nó sẽ có tác động quyết định đối với thế giới

Ông Li Guoxiang tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc

Theo ông Chai Ning - Phó giám đốc nghiên cứu của Cngrain.com, sản lượng lúa mì của Trung Quốc năm nay dự kiến ​​ổn định so với năm ngoái.

Còn theo nhà phân tích Ma Wenfeng tại Công ty Tư vấn Kinh doanh Nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh, những xáo trộn đối với sản xuất và hậu cầu trong lĩnh vực nông nghiệp đang giảm dần.

"Chúng ta có thể có được một vụ lúa mì bội thu, miễn là không có những biện pháp kiểm soát virus thái quá", ông nói thêm.

"Chống dịch không nên là mục tiêu duy nhất. Chúng ta cần thay đổi quan điểm và đảm bảo sự phát triển kinh tế và xã hội", ông Li Guoxiang - thành viên tại Viện Phát triển Nông thôn thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - nhận định.

"Nếu sản lượng lúa mì của Trung Quốc ổn định, nó sẽ có tác động quyết định đối với thế giới", ông nói thêm.

Giá ngũ cốc của Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp hơn giá quốc tế. Điều này có thể giúp hạ nhiệt giá lương thực trên toàn cầu do đất nước 1,4 tỷ dân nhập khẩu ít hơn.

Vòng xoáy lạm phát đe dọa đẩy giá cả leo thang trên toàn cầu

Các nước trên thế giới đưa ra những lệnh cấm xuất khẩu để ổn định giá cả trong nước. Nhưng điều này có thể tạo ra vòng xoáy đẩy lạm phát toàn cầu tăng vọt.

Lạm phát và lãi suất tăng cao bóp nghẹt các nền kinh tế lớn

Các chỉ số kinh tế của những nền kinh tế lớn và giàu nhất thế giới đều lao dốc trong tháng 5. Lạm phát và lãi suất tăng cao đã triệt tiêu sức mạnh tiêu dùng.

Dong USD cao nhat 13 thang hinh anh

Đồng USD cao nhất 13 tháng

0

Chỉ số USD-Index vừa chạm mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Trong nước, giá giao dịch đồng bạc xanh tại các ngân hàng thương mại cũng tăng kịch trần cho phép.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm