Ngày 7/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá thêm 1%, tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 21.673 VND/USD thay vì ở mức 21.458 VND/USD trước đó. Đây là lần thứ hai NHNN tăng tỷ giá tính từ đầu năm đến nay và việc tăng thêm 1% lần này cũng nằm trong định hướng điều hành.
Tăng tỷ giá: Dễ dàng tiên đoán được
Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá , hôm qua (7/5) các ngân hàng thương mại đồng loạt nâng giá bán USD 30-70 VND/USD. Ngay từ đầu buổi sáng giá USD niêm yết tại Vietcombank mua vào 21.670 VND/USD, bán ra 21.740 VND/USD. Mặc dù có điều chỉnh tăng nhưng ghi nhận tại nhiều ngân hàng hoạt động mua-bán vẫn diễn ra bình thường.
TS Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho hay Chính phủ và phía NHNN mong muốn năm nay tỷ giá sẽ điều chỉnh quanh mức 2%. Mức này đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau, trong đó có ý khuyến khích sản xuất xuất khẩu và không làm mất giá nhiều của tiền đồng…
“Từ đầu tháng 1/2015 NHNN đã điều chỉnh tỷ giá 1%, đến nay việc tăng tỷ giá thêm 1% nữa cũng nằm trong mong muốn của Chính phủ và NHNN. Và việc điểu chỉnh tỷ giá lần này, theo tôi cũng dễ dàng tiên đoán được”, ông Phước nói.
Chênh lệch lãi suất giữa VND-USD vẫn còn cao cho việc giữ VND. |
Ông Đặng Quốc Tiến - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá được dựa trên cung - cầu. Trong đó có yếu tố đến từ nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp đang tăng mạnh. Cụ thể theo số liệu thống kê mới đây, bốn tháng đầu năm nhập siêu lên tới gần 3 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chúng ta lại xuất siêu 683 triệu USD.
Một lãnh đạo ngân hàng phân tích, không chỉ cầu ngoại tệ của doanh nghiệp tăng mà còn có cầu từ ngoại tệ của Chính phủ, bởi mới đây Chính phủ vừa phát hành trái phiếu bằng USD tại Vietcombank. Mục tiêu của động thái này nhằm phục vụ nhu cầu ngoại tệ cho phát triển và trả nợ… Điều này cũng khiến tỷ giá biến động.
Giữ USD hay VND?
Phân tích thêm, TS Trương Văn Phước cho rằng khoảng bốn năm nay VND cũng đã mất giá trên 20% rồi, trong khi giá USD lại tăng so với các đồng ngoại tệ khác trên thế giới. Song mặt khác đồng USD cũng giảm so với một số đồng tiền trong khu vực là các đối tác tài chính của Việt Nam trong thương mại và đầu tư. Điều hành tỷ giá phải hài hòa các mục tiêu của kinh tế vĩ mô nhưng từ nay đến cuối năm cũng cần một yêu cầu nữa là phải đáp ứng được sự ổn định của thị trường, tâm lý thị trường.
“Nên tỷ giá hối đoái, sau khi điều chỉnh 2% trong năm nay, theo tôi nên giữ ổn định vì có cơ sở thực tế của nó. Chúng ta cũng phải nhìn lại sự chênh lệch lãi suất VND so với lãi suất đồng USD. Cũng có dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhưng nếu có tăng Feb cũng không tăng lãi suất nhiều. Tôi cũng cho rằng đồng USD trên thị trường quốc tế cũng sẽ không tăng nhiều và bản thân Mỹ cũng không muốn một đồng USD mạnh. Do đó chênh lệch lãi suất giữa VND-USD vẫn còn cao cho việc giữ VND”, ông Phước khẳng định.
Có hay không chuyện rút tiền đồng để nắm giữ USD khi tỷ giá tăng?
Ông Đặng Quốc Tiến cũng cho rằng việc tăng tỷ giá thêm 1% nữa thì giữ USD vẫn không có lợi so với giữ VND. Vì gửi USD lãi suất chỉ được hưởng 0,75%/năm. Nếu cộng hẳn 4% tỷ giá và 0,75% thì lãi suất mới chỉ là 4,75%/năm trong khi lãi suất VND kỳ hạn dài trên một năm hiện nay là 7%/năm.
“Tất nhiên việc có điều chỉnh nữa hay không, quan điểm của cá nhân tôi là sẽ phụ thuộc vào yếu tố cung-cầu trên thị trường”, ông Tiến nói.
NHNN đã công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD áp dụng ngày 7/5 với biên độ tỷ giá +/-1% (tỷ giá trần là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.456 VND/USD).
NHNN cho biết thời gian gần đây trên thị trường trong nước, tỷ giá có xu hướng tăng. Qua phân tích cho thấy tỷ giá tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Để chủ động thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và đối phó với các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trên mặt bằng giá mới, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.