Sáng 30/11, ông Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ nơi đây đã bảo tồn thành công 4 ngón trên bàn tay dập nát của bà L.N.Đ. (46 tuổi, ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).
“Sau phẫu thuật tâm lý bệnh nhân ổn định, đang vận động nhẹ để phục hồi tối đa chức năng vận động ở các bộ phận được khâu, nối. Vết thương trên tay bệnh nhân khô tốt, các ngón hồng hào”, bác sĩ Phong nói.
Bà Đ. phải ôm theo khay inox của máy xay thịt vào bệnh viện. Ảnh: T.P. |
Sáng 27/11, bà Đ. vệ sinh máy sau khi xay thịt tại bếp ăn của trường Mầm non xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh. Do rút nhầm phích cắm của nồi cơm điện nên bàn tay trái của nạn nhân bị cuốn vào máy xay.
Các bác sĩ đã gây mê cho bà Đ. rồi tháo rời từng bộ phận của khay inox dính vào cánh tay. Ngón tay giữa dập nát, chấn thương phức tạp, tuần hoàn mạch máu nuôi ngón tay bị tổn thương nặng nên bác sĩ phải cắt bỏ.
Sau 60 phút phẫu thuật, bác sĩ đã rửa vết thương, cắt lọc, khâu gân gấp các ngón, xuyên kim cố định xương ngón 2 và bảo tồn thành công các ngón còn lại.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết bệnh viện tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân cấp cứu vì tai nạn do máy quấn. Tuy nhiên, hiếm có trường hợp mang theo khay máy như bà Đ.
Đa số trường hợp tai nạn tương tự đều không cứu được toàn vẹn bàn tay dập nát do tổn thương phức tạp. Bác sĩ lưu ý mọi người nên đặt vị trí máy xay thịt xa tầm tay trẻ em, kể cả khi không sử dụng.
Khi máy đang hoạt động, người dân không nên sửa chữa, kiểm tra bên trong; không dùng tay nhồi thịt vào máy. Nếu máy gặp sự cố, phải tắt nguồn điện trước khi kiểm tra nguyên nhân.