"Nhà giáo, tiến sĩ văn học Chu Văn Sơn, giảng viên khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, đã qua đời lúc 13h40, ngày 18/4, tại Hà Nội, hưởng dương 58 tuổi", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thông báo tin buồn trên trang cá nhân.
Sự ra đi của nhà phê bình Chu Văn Sơn để lại niềm tiếc thương đối với người thân, bè bạn, giới văn sĩ và cả những người mộ điệu nét văn chương tài hoa của cố tiến sĩ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ ngắn gọn: "Thương thầy, người văn tài hoa được nhiều người yêu mến". Trong khi nhà văn Bùi Anh Tấn đồng điệu: "Xin chia buồn với gia đình với nhà phê bình Chu Văn Sơn".
Nhà phê bình Chu Văn Sơn qua đời tại Hà Nội, hưởng dương 58 tuổi. |
Hay tin nhà phê bình Chu Văn Sơn qua đời, PGS Văn học Đỗ Ngọc Thống cũng viết trên trang cá nhân: "Thế là hết, chiều nay Sơn đi mãi. Thương nhớ Chu Văn Sơn, một người bạn, một người em, tiếc thương mãi một tài hoa".
Trong khi đó, nhà văn Phan Mai Hương cảm xúc bằng một bài thơ vừa sáng tác: "Vẫn biết là trước sau gì cũng đến thời khắc phải nói lời vĩnh biệt/
Sự ra đi của nhà phê bình Chu Văn Sơn gây bàng hoàng với nhiều người. Nhiều nhà báo, nhà văn, biên kịch từng là học trò của cố tiến sĩ cũng bày tỏ niềm tiếc thương trên trang cá nhân.
Biên kịch Thu Thủy của phim Chạy trốn thanh xuân viết: "Mình chỉ được học thầy ít buổi, thời học đội tuyển Văn lớp 12 trên Hà Nội. Những ngày đáng nhớ ở khu phố Đội Cấn năm đó, mình được gặp rất nhiều người thầy đáng kính, và đặc biệt có thầy Chu Văn Sơn. Sau này, mình không có dịp gặp trực tiếp thầy bất cứ lần nào nữa. Nhưng bài văn giải nhất của thầy, những bài viết của thầy, và, câu thầy viết tặng trong cuốn sổ của mình, mình vẫn còn nhớ mãi. Thật thương tiếc và mong thầy an nghỉ thảnh thơi".
Tiến sĩ Chu Văn Sơn có nhiều công trình nghiên cứu gắn liền với các thế hệ học sinh và giáo viên yêu thích môn văn. |
Tiến sĩ Chu Văn Sơn sinh năm 1962 ở Thanh Hóa. Ông giảng dạy tại khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1988 đến nay. Ngoài ra, ông cũng tham gia nhiều chuyên đề ở Đại học Quy Nhơn, Hồng Đức, Vinh...
Ông có nhiều công trình nghiên cứu gắn liền với các thế hệ học sinh và giáo viên yêu thích môn văn như Ba đỉnh cao Thơ Mới, Thơ điệu hồn và cấu trúc, Hàn Mặc Tử - một hành trình sáng tạo, Nguyễn Đăng Mạnh tuyển tập...
Ngoài ra, ông biên soạn chung một số sách như: Xuân Diệu tác giả và tác phẩm trong nhà trường, Từ điển tác giả Văn học Việt Nam hiện đại, Chân dung các nhà văn Việt Nam hiện đại, Giảng văn Văn học Việt Nam hiện đại, Phân tích bình giảng tác phẩm văn học trong nhà trường...